THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

21/04/2017

Sáng 21/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp thường trực ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính, Bộ Công an; các chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trình bày Tờ trình Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, Dự thảo luật được bố cục gồm 5 Điều. Cụ thể: Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12; Điều 2 về bãi bỏ một số điều khoản của Luật các tổ chức tín dụng; Điều 3 về quy định chuyển tiếp; Điều 4 về điều khoản thi hành; Điều 5 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Thảo luận tại phiên họp, thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá, trong thời gian ngắn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị hồ sơ Dự thảo luật khá đầy đủ, công phu, có cả bản tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành và ý kiến của các đối tượng chịu tác động của luật.

Về sự cần thiết ban hành dự thảo luật, thường trực Ủy ban và các đại biểu cơ bản đồng tình với cơ quan soạn thảo cần thiết phải ban hành một luật riêng với những quy định mang tính đặc thù, đủ mạnh nhằm thực hiện một cách hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát soát đặc biệt và xử lý nợ xấu. Các đại biểu tham dự phiên họp cũng cho rằng, cách tiếp cận này của ban soạn thảo phù hợp với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và xử lý nợ xấu; tạo cơ chế pháp lý đặc thù chỉ có hiệu lực áp dụng trong việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Về tên gọi của Dự thảo luật, thường trực Ủy ban Kinh tế và các đại biểu tham dự phiên họp cho rằng, ban soạn thảo cần căn cứ vào mục tiêu, phạm vi điều chỉnh của luật và quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH ngày 14/4/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức văn bản, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; tên gọi của luật cần phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của luật. Từ đó, xem xét, cân nhắc cho kỹ lưỡng để tên gọi của dự thảo luật này phù hợp với những nội dung về “cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và xử lý nợ xấu” đề cập trong các quy định của luật.

Một số đại biểu đánh giá, nội dung của dự thảo luật này có liên quan đến nhiều luật khác như: Bộ luật dân sự, Luật các tổ chức tín dụng, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật thi hành án dân sự… do đó, tờ trình cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ các quy định có liên quan đến các nội dung của dự thảo luật để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh tạo ra lỗ hổng khi thực thi luật.

Hồ Hương