THƯỜNG TRỰC UỶ BAN KINH TẾ LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN THAN VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần 1.500ha xây nhà ở cho công nhân
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, Nhà ở xã hội cho công nhân TKV thực tế hiện nay vẫn chưa có, trong khi đó số cán bộ công nhân viên lao động ở Quảng Ninh với trên 110.000 người. Phần lớn số lao động này là người ngoại tỉnh nên nhu cầu về chỗ ở rất cao. Những 1980 trở về trước các mỏ cũng đã xây nhà cho công nhân ở, nhưng nay không còn vì khi chuyển về địa phương, địa phương cơ chế thay đổi không bao cấp nhà ở đã thanh lý, bán cho công nhân. Một số lô nhà ở công nhân ở xây dựng trong thập niên cuối thế kỷ 20 và một số lô nhà ở cấp 4 gần khai trường mỏ, hiện tại đang bố trí cho công nhân ở tập thể phần công trình đã hư hỏng, phần cấu trúc nhà cửa không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt khép kín của người ở.
Công nhân Ngành than làm việc trong môi trường độc hại cần chính sách ưu đãi
Để khắc phục thực trạng trên, từ năm 2010 đến nay TKV đã đầu tư xây dựng 35 khu tập thể, các tòa nhà cao từ 5-11 tầng, với tổng diện tích sàn khoảng 400.000m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 25.000 công nhân dạng ở độc thân chưa vợ chồng hoặc chồng làm mỏ vợ con sinh sống ở quê. TKV chưa xây dựng được khu gia đình thợ mỏ.
Theo tính toán, đến năm 2030, số lượng cán bộ công nhân viên TKV sẽ tăng thêm để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở cho khoảng 100.000 người, phần lớn số lao động này được tuyển dụng từ các tỉnh ngoài, do đó nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Theo đó, số lượng người cần có nhà ở là khoảng 250.000 người, tương đương với quỹ đất cần phải bố trí cho phát triển nhà ở là khoảng 1.500ha.
Lãnh đạo TKV cũng cho biết, năm 2019, TKV đã có kiến nghị tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện về quỹ đất để các đơn vị xây dựng khu nhà ở công nhân; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài khu vực nhà ở; trong quá trình quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đề nghị có tính đến các khu nhà ở công nhân, đặc biệt là các khu gia đình liên quan đến phúc lợi xã hội. Theo đó, Ngày 8/8/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 2279/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh”. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ giải quyết cơ bản nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở của công nhân ngành than, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của nhóm đối tượng này. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 khởi công, triển khai xây dựng khoảng 1.240.000m2 sàn, tương ứng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động trên địa bàn Quảng Ninh. Riêng thợ mỏ TKV ở Quảng Ninh cần phải có 1.500ha để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhóm đối tượng này. Nhưng Đề án nhà ở xã hội cho hộ công nhân mỏ đang tiến hành chậm.
Toàn cảnh buổi làm việc Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và TKV
Tuy nhiên, qua cuộc làm việc với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo TKV cho biết việc thực hiện chủ trương về nhà ở cho công nhân ngành than sẽ gặp khó khăn khi sửa đổi Luật Nhà ở hiện nay không đưa công nhân nhân nghành than là đối tượng được mua nhà ở xã hội, trong khi đó, phạm vi xây nhà lưu trú cho công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang bị bó hẹp, nên TKV khó triển khai đề án trong thực tế.
Sửa đổi bổ sung Dự thảo Luật Nhà ở cần bổ sung thêm đối tượng được mua nhà ở xã hội
Đối chiếu với quy định tại Điều 73 Dự thảo Luật Nhà ở, những đối tượng đươc hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở bao gồm những người thu nhập thấp, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Theo đó, công nhân ngành than không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TKV, điều kiện làm việc của công nhân Ngành than rất khắc nghiệt, nặng nhọc, độc hại và luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn. Ngoài ra, hiện nay, phần lớn, các công nhân Ngành than được TKV tuyển dụng từ đồng bào dân tộc miền núi. Do đó, để động viên, khuyến khích lao động trong nghành nghề này, TKV đề nghị bổ sung thêm vào Điều 73, Dự thảo Luật Nhà ở đối tượng được mua nhà ở xã hội bao gồm các công nhân, ngừoi lao động làm việc trong Ngành than.
Từ đó, TKV kiến nghị sưả đổi,bổ sung quy định về khái niệm Nhà Lưu trú công nhân. Nhấn mạnh sự cần thiết trong xây dựng Nhà lưu trú cho công nhân ngành Than, Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho biết, hiện chủ trương xây nhà ở cho công nhân Ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc và giao Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo TKV làm việc với cơ quan chức năng để triển khai theo quy định của pháp luật. Với nhu cầu Nhà Lưu trú để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động cùng với sự đồng thuận về chủ trương của các cấp có thẩm quyền, TKV cần triển khai đề án trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, Lãnh đạo TKV cũng chỉ rõ, với dự thảo Luật Nhà ở đang được xây dựng theo hướng nhà lưu trú công nhân chỉ được xây dựng trong Khu công nghiệp ( khoản 9, Điều 3, Dự thảo Luật Nhà ở: “ Nhà lưu trí công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khi công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, ngừoi lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này”. Đi kèm với nó là các đối tượng được hưởng chính sách về Nhà lưu trú công nhân là các công nhân thuộc khu công nghiệp, các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp( Khoản 6, Khỏan 12, Điều 73, Dự thảo Luật) và có Mục 3 Phát triển Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp ( Điều 88 đến điều 97)
Theo TKV, Quy định tại dự thảo Luật Nhà ở đang không phù hợp với thực tế tại Quảng Ninh và đặc thù phân bố các mỏ khai thác của TKV. Thực tế tại Quảng Ninh, các đơn vị khai thác của TKV được phân bố trải rộng với số lượng công nhân lớn và không hình thành nên các khu công nghiệp, khu kinh tế. Do vậy, với quy định trên, trường hợp TKV và các đơn vị xây dựng nhà lưu trú cho các công nhân, cán bộ Ngành than thuê để lưu trú trong thời gian làm việc, công tác sẽ không được coi là Nhà lưu trú công nhân theo quy định tại dự thảo Luật nhà ở. Khi đó, TKV và các đơn vị sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục triển khai thực hiện (chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây nhà lưu trú, giấy phép xây dựng, quản lý vận hành) cũng như không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Luật Nhà ở, do không phải Nhà lưu trú công nhân.
Từ vướng mắc trên, Lãnh đạo TKV kiến nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét theo 2 phương án. Phương án 1 là có thể mở rộng đối tượng Nhà lưu trú công nhân tại Luật Nhà ở, không chỉ dừng lại là trong Khu công nghiệp mà áp dụng cho cả Nhà Lưu trú xây dựng cho công nhân Ngành than trên đất của các doanh nghiệp tại Quảng Ninh. hoặc phương án 2, có thể sửa đổi Khoản 9, Điều 3 Dự thảo Luật Nhà ở theo hướng: “Nhà Lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư để bố trí cho công nhân, ngừoi lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc theo quy định của Luật này”. Với phương án này thì không bó buộc giới hạn về không gian, đối tượng liên quan đến Nhà lưu trú công nhân và việc xây dựng Nhà lưu trú công nhân sẽ được triển khai trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch xây dựng của địa phương về xây dựng Nhà lưu trú công nhân. Trong trường hợp được chấp nhận mở rộng đối tượng để xem xét, chấp thuận là Nhà Lưu trú công nhân theo quy định của Luật Nhà ở thì các nội dung chi tiết của Dự thảo Luật Nhà ở sẽ được điều chỉnh tương ứng”.
Đồng tình với kiến nghị của TKV, Ông Hồ Công Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng, trong xu hướng Việt Nam hội nhập CPTPP, phải ra đời tổ chức công đoàn độc lập, thì các doanh nghiệp như TKV phải có chính sách để giữ công nhân, lao động giỏi. Vì vậy, chính sách xây nhà ở hỗ trợ công nhân là một trong giải pháp quan trọng với các doanh nghiệp có số lượng lao động phổ thông lớn, làm việc trong môi trường khó khăn như TKV nói riêng và nhiều doanh nghiệp khác nói chung. Để thực hiện được điều đó thì rất cần hành lang pháp lý hỗ trợ những doanh nghiệp, trong đó cần thiết có quy định nới rộng phạm vi xây dựng nhà ở công nhân, không chỉ trong khu công nghiệp mà ngoài khu công nghiệp, miễn là doanh nghiệp như TKV làm đúng mục đích.
Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội làm việc TKV ngày 11/8
Tiếp thu ý kiến của TKV, cũng như lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thường trực Uỷ ban Kinh tế bày tỏ đồng tính với kiến nghị của TKV, xuất phát từ thực tiễn. Theo thường trực Uỷ ban Kinh tế, với vấn đề thực tiễn của ngành than, việc mở rộng phạm vi liên quan đển đất Lưu trú ngoài khu công nghiệp là cần thiết, cần được cơ quan thẩm tra tiếp thu. Định hướng phát triển nhà Lưu trú công nhân, hay nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Điều quan trọng sửa luật lần này đảm bảo tính tổng thể, bao quát, chính sách đến được đúng đối tượng, ngăn chặn việc trục lợi chính sách, hướng tới mọi đối tuọng được tiếp cận chinh sách nhà ở cho mọi đối tượng được công bằng.