ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI CHO KÉO DÀI THỜI GIAN THÍ ĐIỂM XỬ LÝ NỢ XẤU THEO NGHỊ QUYẾT 42

29/07/2020

Ngày 28/7, dưới sự chủ chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh, Ủy ban Kinh tế đã làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Dương Quốc Anh phát biểu tại cuộc làm việc  

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 31.5.2020, huy động vốn thị trường 1 trên địa bàn TP đạt 2.589.315 tỷ đồng, tăng 1,66%; tổng dư nợ cấp tín dụng thị trường 1 đạt 2.336.149 tỷ đồng, tăng 1,75%; tỷ lệ nợ xấu là 2,2%. 

Tổng nợ xấu trên toàn địa bàn xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội là 109.724 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng là 35.380 tỷ đồng (tỷ trọng 32,24% so tổng nợ xấu Nghị quyết 42 toàn địa bàn); nợ xấu ngoại bảng 64.210 tỷ đồng (tỷ trọng 58,52%), nợ xấu đã bán Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 10.135 tỷ đồng (tỷ trọng 9,24%). Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 tập trung vào chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước và chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần chiếm tỷ trọng 97,44% so với tổng địa bàn.

Kết quả xử lý nợ xấu trong kỳ (từ 15.8.2017 - 31.5.2020) chủ yếu theo phương thức thông thường (đôn đốc khách hàng trả nợ và mua lại khoản nợ xấu đã bán VAMC). Việc xử lý nợ thông qua thủ tục rút gọn không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu do việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; văn bản hướng dẫn cụ thể các chính sách quy định tại Nghị quyết 42 chưa đầy đủ; từ đó kết quả đạt được của việc xử lý nợ xấu theo các chính sách tại Nghị quyết 42 chưa cao. Tuy nhiên cũng có mặt tích cực là ý thức tự giác trả nợ của khách hàng đã được nâng lên, thể hiện thu từ nguồn khách hàng trả nợ chiếm tỷ lệ cao nhất.

UBND TP cũng nêu một số khó khăn, đó là từ thực tế các hợp đồng thế chấp đều được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 (15.8.2017) có hiệu lực và tại thời điểm ký kết hợp đồng thì Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29.12.2006 không quy định trực tiếp nội dung thu giữ, mà quy định về quyền xử lý của ngân hàng. Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì quyền xử lý sẽ bao gồm cả quyền thu giữ. Bởi khi ngân hàng thu giữ được tài sản mới là tiền đề thực hiện các quyền khác. Nhưng nếu các cơ quan Nhà nước áp dụng theo quy định trong hợp đồng phải có cụm từ về “thu giữ tài sản” sẽ hạn chế rất nhiều hồ sơ của các TCTD.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Uỷ ban Kinh tế với UBND TP Hồ Chí Minh  

Với quy định các tài sản thu giữ không phải là tài sản đang tranh chấp chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền thì hiện nay có nhiều vụ việc chủ tài sản khi nhận được thông báo về việc ngân hàng thu giữ tài sản đã tạo các tranh chấp giả, tạo ra tình huống không thể áp dụng Nghị quyết 42 để ngăn cản việc thu giữ.

UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất với Quốc hội cho kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vì quá trình xử lý nợ xấu hết sức khó khăn, cần có thời gian dài hơn so với quy định trong Nghị quyết đến hết năm 2025. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 cũng tác động một phần đến quá trình xử lý nợ xấu. Cùng với đó, cần có chính sách thuế phù hợp liên quan đến việc bán tài sản bảo đảm xử lý nợ xấu nhằm giải quyết khó khăn khi triển khai điều khoản của Nghị quyết 42.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh nhận thấy, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo cụ thể để triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội và đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa như kỳ vọng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, vướng mắc UBND TP Hồ Chí Minh nêu rõ và cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ và chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)