Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng hiện nay việc đánh giá, nhận thức về công tác thẩm định còn những ý kiến khác nhau nhưng về quy định pháp luật và vai trò của thẩm định tương đối đầy đủ. Qua xem xét báo cáo của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, các đại biểu ghi nhận công tác này cơ bản thực hiện tốt, có vai trò ngày càng quan trọng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.
Vì vậy đặt ra yêu cầu trong thời gian tới công tác thẩm định cần được phát huy hơn nữa những mặt tốt, giúp cho bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, kiểm soát chất lượng dự án trình Quốc hội; nhấn mạnh vai trò của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ là đầu mối tham mưu cho Chính phủ có đánh giá độc lập, xác định trách nhiệm của các bộ ngành trong việc thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và quy trình thẩm định và tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định nói riêng...
Cổng thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên giải trình:
Phiên giải trình về công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, khi Chính phủ cho ý kiến về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thì ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp là một trong những cơ sở quan trọng. So với nhiệm kỳ trước, tiến độ và chất lượng hồ sơ dự án, dự thảo văn bản QPPL từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có những tiến bộ; việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được chú trọng thực chất hơn
Băn khoăn về chất lượng hồ sơ dự án trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho rằng nhiều báo cáo thẩm định chỉ đích danh những vấn đề cần được sửa và tiếp thu nhưng dự án lại không tiếp thu, không có giải trình
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự thảo văn bản Quy phạm pháp luật thì trọng tâm vẫn là ở cơ quan chủ trì soạn thảo, không thể đổ dồn trách nhiệm cho Bộ Tư pháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành trình dự án luật thiếu, kém chất lượng vi phạm quy định về thời gian trình
Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng đội ngũ cán bộ làm tư pháp tại một số bộ ngành còn thiếu số lượng, hạn chế năng lực đã dẫn đến nhiều thiếu sót kéo dài nhiều năm qua
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại phiên giải trình
Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ với chức năng là đầu mối tham mưu cho Chính phủ có đánh giá độc lập, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và quy trình thẩm định, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định trong xây dựng các dự án, dự thảo văn bản văn bản quy phạm pháp luật nói riêng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của các đại biểu về quy trình xây dựng dự án luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy pháp Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua giải trình cho thấy thời gian qua công tác thẩm định có nhiều tiến bộ so với trước đây, giá trị báo cáo thẩm định ngày càng nâng lên và tôn trọng. Khẳng định các cơ sở pháp lý cho thẩm định cơ bản khá đầy đủ và tương đối chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy pháp Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị thời gian tới các cơ quan cùng nhau quyết tâm thực hiện tốt các quy định hiện có cho đến khi có những quy định mới tốt hơn.