ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP LÀM VIỆC VỚI ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH

24/04/2024

Chiều 24/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát dẫn đầu đã làm việc với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TẠI HẢI PHÒNG

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Cùng dự có: lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng các Trường Đại học thành viên; đại diện các bộ, ngành Trung ương và các thành viên Đoàn giám sát.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 27/1/1995 trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại một số trường đại học và viện nghiên cứu khoa học ở khu vực TP. Hồ Chí Minh; là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 35 đơn vị và có hơn 6.200 viên chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường đã triển khai hiệu quả công tác tổ chức lại các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực hiện có. Trên cơ sở đó, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện rà soát các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, liên quan với nhau, có thể sắp xếp, sáp nhập để đảm bảo tinh gọn đầu mối, tổ chức bên trong và sử dụng hợp lý đội ngũ biên chế hiện có, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và phù hợp với chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn hoạt động có hiệu quả.

Cụ thể, năm 2018, có 2 đơn vị được sáp nhập. Năm 2019, sáp nhập 1 đơn vị và bổ sung thêm 1 đơn vị. Năm 2021 sáp nhập 3 đơn vị. Năm 2022 và 2023 tổ chức lại 2 đơn vị. Thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị thành viên và trực thuộc theo hướng tự chủ, do đó Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã không sử dụng hết số lượng biên chế đã được phê duyệt, so với các năm từ 2018 đến nay giảm 2.466 biên chế.

Phó Bí thư Đảng uỷ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TS. Lê Thị Anh Trâm làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát nêu

Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: một số đơn vị còn lúng túng khi xác định, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy; một số nhiệm vụ hoàn thành còn chậm so với kế hoạch đề ra; một số hoạt động về tinh gọn tổ chức bộ máy triển khai chậm do nhiều thủ tục hành chính liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại.

Trong quá trình triển khai tự chủ đại học, các trường đại học gặp nhiều vướng mắc do hệ thống văn bản pháp lý chồng chéo, chưa hỗ trợ để phát huy hiệu quả tự chủ và phát triển đại học. Ngoài ra, văn bản hướng dẫn mối quan hệ giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban Giám hiệu chưa đầy đủ, do đó các cơ sở gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cho phép nhà trường có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư đối với viên chức giảng dạy tại trường và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp. Đồng thời, có thẩm quyền ban hành quyết định về việc quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình tuyển dụng, mức thu nhập và các chính sách khác tại nhà trường để thực hiện cơ chế thu hút, giữ chân đối với nhà khoa học trẻ, xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành làm việc tại đơn vị đến năm 2030.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị sớm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo hướng bảo đảm quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy; ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chú trọng phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.

Các thành viên Đoàn giám sát và lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận những kết quả đạt được và đánh giá cao sự nỗ lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, đề nghị nhà trường làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; công tác quản lý biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ và việc thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong trường đại học; hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, các kiến nghị của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác