Đề nghị thay thế quy định về lãi suất cơ bản trong Bộ luật dân sự (sửa đổi)

25/06/2015

Chiều 25/6, thảo luận ở Hội trường về quy định lãi suất trong Bộ luật dân sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung, không mang tính chất của thị trường. Do đó, các đại biểu đề nghị sử dụng lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng hoặc lãi suất trần cụ thể để thay thế cho lãi suất cơ bản. Ngoài ra, với lãi suất 36%/năm tại các dịch vụ cầm đồ như hiện nay, đã có ý kiến đề nghị cần quy định vào trong luật đối với trường hợp này.

Điều 483, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định về lãi suất như sau:“ 1.Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. 2.Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định. Trường hợp không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. 3.Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác…”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân-TP.Hồ Chí Minh                                                                                                    Ảnh: Văn Bình 

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân-TP.Hồ Chí Minh, từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không còn công bố lãi suất cơ bản, chỉ công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất bình quân liên ngân hàng. Trước năm 2011, Ngân hàng Nhà nước có công bố lãi suất cơ bản nhưng cũng không công bố lãi suất cơ bản đối với từng loại vay tương ứng.

Mặt khác, tại Khoản 1, Điều 12, Mục 1, Chương III của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2011 quy định: “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ chống cho vay nặng lãi”. Vì vậy, việc thay thế lãi suất cơ bản bằng lãi suất tái cấp vốn vừa hợp với luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay.

Đồng thời, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, Ban Soạn thảo nên sử dụng lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng thay thế cho lãi suất cơ bản. Đây cũng là việc mà một số nước đã làm như tại London là LIBOR (London Interbank Offered Rate, nghĩa là: lãi suất liên ngân hàng ở thị trường London-P.V), tương tự tại Tokyo là TIBOR, tại Hồng Kông là HIBOR và tại Singapore là SIBOR.

Ngoài ra, hiện nay, lãi suất được công khai tại các dịch vụ cầm đồ là 3%/1 tháng, tương đương 36%/1 năm. Việc này đã vượt 500% lãi suất tái cấp vốn. Đại biểu cho rằng, như vậy là “ngang nhiên đã vi phạm Luật dân sự”, từ đó đã đề nghị cần lưu ý và nghiên cứu để đưa thêm điều này vào trong Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Minh-Bắc Kạn cho rằng, lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung, với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính chất của thị trường, không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau.

Vì vậy, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh quan hệ dân sự là không phù hợp, gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Trên thực tế, việc quy định cụ thể mức lãi suất trong Bộ luật dân sự sẽ đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch bên cạnh những tham gia có thể áp dụng ngay. Đồng thời, các chủ thể cũng biết được hậu quả pháp lý khi xác lập hội đồng vay.

Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật dân sự (sửa đổi), không nên sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu. Đồng thời, cần quy định nguyên tắc thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể khi cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Trọng Trường-Bắc Ninh                                                                                                                            

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Trọng Trường-Bắc Ninh cho rằng, cần quy định lãi suất được tính tại thời điểm vay. Bởi hiện dự thảo chưa quy định rõ mức lãi suất thỏa thuận không vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng với thời điểm vay hay thời điểm trả nợ.

Mặt khác, việc quy định các tổ chức tín dụng có thể được ấn định mức lãi suất cao hơn mức Bộ luật dân sự quy định, trong khi Bộ luật dân sự là luật chung, luật cơ bản áp dụng cho các quan hệ dân sự, sẽ dẫn tới việc không có giới hạn về lãi suất đối với các khoản vay của các tổ chức tín dụng. Theo quy định của Luật tổ chức tín dụng hiện hành, đã và đang không có quy định kiểm soát mức lãi suất trần cho vay đối với các khoản vay của tổ chức tín dụng.

Đại biểu đánh giá, quy định việc lãi suất thỏa thuận không vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, nhưng loại trừ các khoản vay của các tổ chức tín dụng là không phù hợp.

Đại biểu Phạm Văn Hà-Nghệ An                                                                                                                                    

Ở một khía cạnh khác, góp ý vào Khoản 2, Điều 483, đại biểu Phạm Văn Hà-Nghệ An cho rằng, khoản này quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất, lãi suất do các bên thỏa thuận.

Đặt câu hỏi: “Vậy khi tranh chấp xảy ra, trong trường hợp này sẽ áp dụng mức lãi suất nào để giải quyết?”, do đó, theo đại biểu cần sửa lại như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận, việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất do các bên thỏa thuận được áp dụng là lãi suất cơ bản”.

Quang Minh