Chủ thể trong quan hệ dân sự: một vấn đề cần thiết phải xác định

25/06/2015

Chiều 25/6, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), đa số ý kiến ủng hộ quy định đại diện hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ dân sự. Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng, để có cơ sở pháp lý cho những đối tượng này tiếp tục tồn tại và phát triển thì chủ thể cũng phải là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) của Chính phủ cho biết, thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 cho thấy, việc ghi nhận hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự đã làm phát sinh nhiều bất cập, hạn chế như việc xác định tư cách thành viên, tư cách đại diện, tài sản chung, trách nhiệm pháp lý... hay việc xác định hộ gia đình, tổ hợp tác là nguyên đơn, bị đơn dân sự là rất khó khăn.

Do đó, Chính phủ đã đề nghị tại dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) lần này, chủ thể của quan hệ dân sự chỉ gồm cá nhân và pháp nhân. Đồng thời, đề nghị quy định về trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như sau:

Khoản 1, Điều 102 dự thảo Bộ luật quy định: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì thành viên được cử là người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ dân sự này”.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh-Đắk Nông                                                                                                           Ảnh: Văn Bình

Đồng tình với phương án mà Chính phủ đưa ra, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh-Đắk Nông cho rằng, cần thiết phải xác định chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự chỉ là cá nhân và pháp nhân.

Theo đại biểu, việc xác định hộ gia đình với tư cách là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự gây không ít những vướng mắc trong thực tiễn, nhất là tài sản và trách nhiệm pháp lý. Các cơ quan chuyên môn, cá nhân phải tốn rất nhiều thời gian khi phân định rạch ròi trách nhiệm giữa các cá nhân trong một hộ gia đình.

Còn theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi-Phú Yên, không quy định hộ gia đình là một chủ thể của quan hệ dân sự, không có nghĩa dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) phủ nhận sự tồn tại của hộ gia đình trong thực tiễn. Trái lại, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) hoàn toàn thừa nhận sự tồn tại của hộ gia đình qua các thành viên là các cá nhân trong hộ gia đình. Các quy định về cá nhân, về sở hữu chung trong dự thảo Bộ luật và Luật hôn nhân gia đình năm 2014 đã đủ sức giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh từ việc hộ gia đình tham gia vào giao dịch dân sự.

Mặt khác, ý nghĩa của việc quy định hộ gia đình với tư cách là chủ thể của quan hệ dân sự chưa thực sự rõ ràng. Hộ gia đình chưa có cơ chế minh định tài sản, tài sản nào là của cả hộ gia đình, tài sản nào là của vợ, tài sản nào của chồng và tài sản nào của hai vợ, chồng. Do đó, đại biểu đề nghị không đưa hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi-Phú Yên                                                                                                                                   

Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Hoàng Thị Hoa-Bắc Giang phân tích bổ sung, thực tiễn áp dụng đã nảy sinh rất nhiều vướng mắc, gây mất an toàn pháp lý cho không ít những giao dịch dân sự có tham gia của hộ gia đình như:

Thứ nhất, khó xác định hoặc không xác định được tại một thời điểm nhất định tài sản chung và các khoản nợ chung của hộ gia đình gồm có những tài sản nào và tài sản nào là tài sản riêng. Trong thực tế, hộ gia đình tại Việt Nam rất hiếm lập sổ quản lý tài sản để xác định rõ tài sản nào là chung và tài sản nào là riêng.

Thứ hai, hộ gia đình không có tên, tài sản riêng tách biệt với tên, tài sản riêng của thành viên. Do vậy, khi muốn thưa kiện hộ gia đình cũng rất khó khăn. Mặc dù hộ gia đình là chủ thể của quyền và nghĩa vụ dân sự nhưng Bộ luật tố tụng dân sự 2004 lại không thừa nhận tư cách nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự của hộ gia đình.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc đều không quy định hộ gia đình là chủ thể độc lập của quan hệ dân sự nhưng vẫn xử lý được các vấn đề khi hộ gia đình tham gia vào các giao dịch dân sự.

Đại biểu Nguyễn Thành Bộ-Thanh Hóa                                                                                                                           

Trái ngược với các ý kiến trên, theo đại biểu Nguyễn Thành Bộ-Thanh Hóa, tại dự thảo Bộ luật vẫn thừa nhận có sự tham gia quan hệ pháp luật dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác nhưng lại không thừa nhận tư cách là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự của đối tượng này.

Hiện nay, hộ gia đình, tổ hợp tác là những thực thể đang tồn tại trong xã hội và tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự mà phổ biến là quan hệ sử dụng đất. Mô hình tổ hợp tác ở nước ta có lịch sử phát triển lâu đời, hiện tại vẫn đang phát triển mạnh. Bên cạnh đó, các luật hiện hành như Luật đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo hiểm y tế... đều ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật.

Do đó, đại biểu cho rằng, để có cơ sở pháp lý cho những chủ thể này tiếp tục tồn tại và phát triển, dự thảo Bộ luật cần quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cũng là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có thể phải tổ chức thêm một số hội nghị, hội thảo để hoàn thiện dự án Bộ luật. Góp phần đáp ứng yêu cầu vào vấn đề bảo vệ quyền dân sự, tôn trọng quyền dân sự và phát triển kinh tế thị trường, kinh tế-xã hội.

Quang Minh