Ban quản lý và khai thác cảng là mô hình phù hợp?

22/06/2015

Sáng 22/6, thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), bên cạnh những ý kiến ủng hộ quy định về Ban quản lý và khai thác cảng thì một số ý kiến đại biểu Quốc hội khác đề nghị cần cân nhắc, xem xét lại quy định này. Ngoài ra, cũng có ý kiến đồng ý nhưng đề nghị chỉ áp dụng quy định này tại một số cảng đặc biệt.

Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Ban Soạn thảo cho biết, dự thảo Bộ luật đã bổ sung quy định về Ban quản lý và khai thác cảng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, khai thác cảng. Góp phần thúc đẩy ngành hàng hải của nước ta phát triển, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.

Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Theo quy định tại Điều 142 của dự thảo Bộ luật: “Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo-Vĩnh Phúc                                                                                                       Ảnh: Đình Nam

Tán thành với quy định trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo-Vĩnh Phúc cho rằng, Ban quản lý và khai thác cảng là mô hình phù hợp, đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam sau này. Lý giải vấn đề này, theo đại biểu, hiện nay các quy định về quản lý, khai thác cảng còn rất nhiều bất cập.

Thứ nhất, phương thức giao vùng đất, vùng nước cho các tổ chức đầu tư, xây dựng riêng lẻ tại các bến cảng sẽ xé nhỏ quy mô, quy hoạch của cảng và tạo ra sự manh mún, thiếu thống nhất, đồng bộ trong sự phát triển, mất cơ hội mở rộng đón các tàu cỡ lớn.

Thứ hai, hiện không có các cơ quản quản lý khai thác thống nhất để định hướng tổng thể về quản lý, khai thác theo đúng quy hoạch và điều chỉnh mở rộng khi cần thiết, bảo đảm sự hiệu quả trong khai thác cảng biển.

Thứ ba, việc cho phép doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác, thu phí cầu bến và đưa vào doanh thu của các doanh nghiệp như hiện nay là chưa phù hợp. Đặc biệt, đối với những bến cảng được đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn nhà nước. Mặt khác, trong trường hợp cần huy động và sử dụng các bến cảng vào các mục đích an ninh, quốc phòng, phòng, chống thiên tai khi có tình trạng khẩn cấp xảy ra sẽ gặp khó khăn.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Chu Sơn Hà-Hà Nội cũng cho rằng, việc quy định về Ban quản lý và khai thác cảng là phù hợp với đòi hỏi thực tiễn về công tác quản lý, khai thác cảng biển, đồng thời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như trên.

Đại biểu Đặng Đình Luyến-Khánh Hòa                                                                                                                               

Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Đình Luyến-Khánh Hòa, cơ sở pháp lý cũng như tiêu chí, điều kiện để thành lập Ban quản lý và khai thác cảng là không rõ ràng. Hiện nay, việc quản lý cảng biển đã giao cho rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp tham gia vào quá trình thực hiện các hoạt động này. Như vậy, nếu thành lập thêm Ban quản lý và khai thác cảng sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo chức năng của các cơ quan đang được giao thực hiện hoạt động kinh doanh ở đây.

Mặt khác, nếu thành lập Ban quản lý và khai thác cảng có thể sẽ làm tăng bộ máy, biên chế, điều này trái với tinh thần Nghị quyết của Đảng. Do đó, đại biểu Đặng Đình Luyến đề nghị cần cân nhắc lại vấn đề này.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh-Hà Nội cho rằng, quy định về Ban quản lý và khai thác cảng có thể sẽ gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, làm giảm sự phối hợp giữa cơ quan lãnh đạo cảng, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và trung ương. Đại biểu cũng cho biết, qua thực tiễn của công tác giám sát, đây cũng là vấn đề đã được các địa phương phản ánh.

Đại biểu Trần Du Lịch-TP. Hồ Chí Minh                                                                                                                            

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch-TP. Hồ Chí Minh, việc quy định Ban quản lý và khai thác cảng chỉ nên áp dụng đối với một số cảng đặc biệt, là những cảng lớn, cảng loại 1. Còn lại,“không phải cảng nào cũng tổ chức cơ quan này”.

Bên cạnh các nội dung trên, về thuật ngữ “Ban quản lý và khai thác cảng”, các đại biểu cho rằng, cần xem xét, làm rõ đây là cơ quan có thẩm quyền về cảng, được nhà nước ủy nhiệm một số chức năng quản lý nhà nước đối với cảng để phù hợp với thuật ngữ “Port Authority” mà thế giới và khu vực đang sử dụng.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức hữu quan làm sâu sắc và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đại biểu để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Đức Phương