Có nên thừa nhận việc chuyển đổi giới tính?

25/06/2015

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), chiều 25/6, nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về quy định xác định lại giới tính. Nhiều ý kiến tán thành quy định của Điều 36 dự thảo luật, không khuyến khích chuyển đổi giới tính nhưng đối với những người đã chuyển đổi giới tính thì vẫn bảo đảm quyền nhân thân cho họ. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị luật cần quy định cụ thể và chính xác hơn về vấn đề này để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh-TP Hải Phòng                                                                                                   Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Trần Ngọc Vinh-TP Hải Phòng cho rằng, các quy định trong dự thảo chưa thống nhất với nhau. Một mặt, quy định nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác.

Về nguyên tắc, nếu nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không cho phép thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do đó, đại biểu cho rằng, quy định tại Khoản 2, đoạn 2 là thừa và không khả thi.

Vì vậy, để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề chuyển giới, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ một số vấn đề như sau: Một, dưới góc độ quyền con người, nếu không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì chúng ta có vi phạm không.

Hai, thực tiễn xã hội hiện nay đã tồn tại người chuyển đổi giới tính, nếu nhà nước không thừa nhận họ, tức là họ tiếp tục phải sống ở ngoài vòng pháp luật. Vậy họ tham gia và hòa nhập vào các hoạt động của xã hội như thế nào? Các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động tới họ hay không?

Ba, việc thực thi pháp luật về tố tụng hình sự đối với những người chuyển giới tính sẽ được giải quyết như thế nào như về vấn đề tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù.

Bốn, tác động đối với kinh tế xã hội, sức khỏe nòi giống và đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc như thế nào nếu công nhận cho phép chuyển giới tính.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng-Thái Nguyên                                                                                                                                         

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng-Thái Nguyên phân tích, xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là 2 vấn đề khác nhau. Xác định lại giới tính là trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc là chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Còn chuyển đổi giới tính là trường hợp giới tính đã xác định rõ không có khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác nhưng có mong muốn, có nhu cầu được chuyển đổi giới tính.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, tách Điều 36 thành hai điều luật về xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính. Ngoài ra, mặc dù điều luật xác lập quyền của cá nhân có quyền xác định lại giới tính, nhưng thực tế chưa có quy định của pháp luật về vấn đề này. Đây là khoảng trống trong hệ thống pháp luật hiện hành. Như vậy, sau khi Bộ luật dân sự (sửa đổi) được ban hành, trong những trường hợp cần xác định lại giới tính sẽ không có căn cứ pháp lý để thực hiện mà phải đợi cho đến khi có luật chuyên ngành điều chỉnh.

Đối với quy định tại Khoản 2, Điều 36 “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã có chuyển đổi giới tính, thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại Khoản 1 điều này”, đại biểu cho rằng quy định như vậy có sự không thống nhất. Bởi lẽ, nếu quy định như vậy sẽ khuyến khích tình trạng tạo ra sự đã rồi, buộc pháp luật phải thừa nhận.

Đại biểu Tô Văn Tám-Kon Tum                                                                                                                                          

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám-Kon Tum cho rằng, có 2 vấn đề tại Khoản 2, Điều 36 cần phải làm rõ:

Thứ nhất, nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nếu hiểu theo hướng người đã chuyển đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực thì được hưởng các quyền như Khoản 1. Nếu quy định như vậy thì sẽ không công bằng với những người chuyển đổi giới tính sau khi luật này có hiệu lực.

Thứ hai, người đã chuyển đổi giới tính có các quyền quy định tại Khoản 1 được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính. Như thế, chính điều luật đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, không cần có thêm quy định là nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính.

Về mặt lý luận, pháp luật ra đời để điều chỉnh những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, thừa nhận cũng như bảo vệ quyền con người và quyền công dân.

Vì những lẽ đó, đại biểu đề nghị Tô Văn Tám, thừa nhận quyền này của cá nhân và đề xuất sửa lại Khoản 2, Điều 36 theo hướng: "Trong những trường hợp đặc biệt, việc chuyển đổi giới tính phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cá nhân đã chuyển đối giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo quy định tại Khoản 1, điều này".

Như vậy, chúng ta nên thừa nhận nhưng có giới hạn, những trường hợp đặc biệt thì có thể chuyển đổi giới tính, nhưng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Nguyễn Phương-Hồ Hương