Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp tục được lấy ý kiến nhằm chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này, các đại biểu Quốc hội xem xét một số vấn đề lớn của dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân như: về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh những điểm cần xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các đại biểu cần đặc biệt quan tâm đến kết quả giám sát, hậu quả pháp lý sau giám sát bởi đây là vấn đề then chốt quyết định đến hiệu quả giám sát nhưng nội dung này chưa được dự thảo Luật quy định rõ ràng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sau giám sát có thể có hai kết quả là kiến nghị và kết luận. Đối với việc ra kiến nghị, chủ thể bị giám sát sẽ phải nghiên cứu, tiếp thu và trả lời về những nội dung kiến nghị cũng như việc áp dụng các kiến nghị cho chủ thể giám sát. Đối với việc ra kết luận, chủ thể giám sát sẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác về những nội dung trong kết luận của mình và chủ thể bị giám sát sẽ buộc phải thực hiện những kết luận đó.
Cho ý kiến về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của giám sát đại biểu Bùi Mạnh Hùng-Bình Phước cho rằng, dự thảo luật sử dụng quá nhiều từ “xem xét” mà xem xét ở đây chủ yếu là xem xét báo cáo, chưa đề cập đến xem xét thực tiễn. Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng, giám sát phải có kiểm tra, kiểm tra rồi mới đánh giá, kết luận giám sát mới chính xác được.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng-Bình Phước phát biểu tại Hội nghị
Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Đương- TP.Hồ Chí Minh nhận xét, thời gian qua giám sát vẫn nặng về nghe báo cáo nên khó mà thấy được khuyết điểm, vấn đề thực sự. Do đó, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả giám sát dự thảo Luật cần quy định về các phương thức giám sát. Các phương thức giám sát có thể là nghe báo cáo, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ việc và xem xét tại chỗ. Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, kết quả của giám sát có thể thể hiện dưới hình thức yêu cầu xử lý dứt điểm một vi phạm pháp luật cụ thể trong thời hạn nhất định; hoặc kiến nghị đối với những vi phạm tuy không nghiêm trọng nhưng kéo dài và ra nghị quyết.
Góp ý về việc khắc phục sự hình thức trong giám sát, đại biểu Bùi Đức Thụ -Lai Châu cũng cho rằng, sau các cuộc giám sát cần ban hành nghị quyết mang tính bắt buộc thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Báo cáo kết quả giám sát cần được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước cấp trên của chủ thể bị giám sát.
Đại biểu Trương Văn Vở-Đồng Nai nhấn mạnh, để hiệu quả giám sát được nâng cao thì báo cáo giám sát phải nói rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và thời gian khắc phục các vấn đề báo cáo đặt ra.