Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát

15/10/2015

Sáng 15/10, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp                                        Ảnh: Đình Nam

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo một số vấn đề giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các phiên họp trước.

Theo đó các vấn đề lớn được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý gồm: thẩm quyền giám sát của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; chất vấn và xem xét trả lời chất vấn; hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; giám sát của thường trực Hội đồng nhân dân và giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ thời hạn giải quyết kiến nghị, trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết giám sát..., đồng thời, bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu lực hiệu quả của hoạt động giám sát.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo ngại các quy định của dự thảo Luật không quy định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể tiến hành giám sát sẽ không phát huy được hiệu quả của giám sát.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật phải quy định rõ sau mỗi cuộc giám sát phải có báo cáo kết quả giám sát nêu lên kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và các chủ thể chịu sự giám sát phải nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện và có báo cáo giải trình về việc thực hiện kiến nghị, yêu cầu đối với cơ quan tiến hành giám sát. Đồng thời, phải có sự kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, yêu cầu sau giám sát để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

Về việc thể hiện kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đối với giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành nghị quyết giám sát; giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải có báo cáo kết quả giám sát, trong trường hợp cần thiết có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, hiệu quả của giám sát được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật phải được thể hiện rõ ràng bằng văn bản của chủ thể chịu sự giám sát, phải có báo cáo về việc thực hiện các kiến nghị, yêu cầu, nghị quyết sau giám sát.

Bày tỏ đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nếu dự thảo Luật mở ra quy định giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải có báo cáo kết quả giám sát và có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thì sẽ đảm bảo được hiệu quả hoạt động giám sát cao hơn của các cơ quan này.

Tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết thêm, kiến nghị bổ sung thêm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội trong chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giám đốc các sở, ban, ngành địa phương là không phù hợp với Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội và không bảo đảm phân cấp phân quyền hiện nay. Bởi Luật chính quyền địa phương quy định Hội đồng nhân dân giám sát Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn tại địa phương, còn Luật tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội giám sát và chất vấn các chức danh do Quốc hội bầu ra.

Bảo Yến