Bế mạc phiên họp thứ 48 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Ảnh: Đình Nam
Thay mặt Ủy ban Pháp luật trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; dự thảo Nghị quyết về phân loại đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý cho biết, tại phiên họp thứ 47 vào ngày 26/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận,cho ý kiến vào 2 Nghị quyết trên. Đa số ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, các dự thảo Nghị quyết đã cơ bản thể hiện được đầy đủ các nội dung trong Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Cơ bản nhất trí với các nội dung trong Báo cáo của Ủy ban Pháp luật và các quy định trong dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; dự thảo Nghị quyết về phân loại đô thị, sau khi xem xét, cho ý kiến, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua 2 dự thảo Nghị quyết này. Theo đó, Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Phân loại 6 đô thị dựa trên 5 tiêu chí khác nhau
Nghị quyết về phân loại đô thị quy định: Đô thị sẽ được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V. Thành phố trực thuộc trung ương phải là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I; Thành phố thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh phải là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; Thị xã thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh phải là đô thị loại III hoặc loại IV; Thị trấn thuộc huyện phải là đô thị loại IV hoặc loại V.
Việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và Chương trình phát triển từng đô thị để thực hiện quản lý đầu tư phát triển đô thị, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội. Đô thị được quy hoạch và đầu tư xây dựng đạt tiêu chí nào của loại đô thị nào thì được xem xét, đánh giá loại của đô thị tương ứng.
Đô thị sẽ được đánh giá phân loại theo 5 tiêu chí gồm: Tiêu chí 1: vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế- xã hội; Tiêu chí 2: quy mô dân số; Tiêu chí 3: mật độ dân số; Tiêu chí 4: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; Tiêu chí 5: trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị.
Đánh giá phân loại đô thị sẽ bằng phương pháp tính điểm. Tổng hợp điểm của 5 tiêu chí đạt tối đa 100 điểm, tối thiểu 80 điểm thì được xét đánh giá phân loại đô thị. Khi đánh giá phân loại, nếu có một số chỉ tiêu thấp hơn 80% so với quy định thì sẽ xem xét thêm triển vọng phát triển của đô thị đó trong nội dung quy hoạch xây dựng đô thị đợt đầu cùng với các biện pháp có tính khả thi, khắc phục được những tồn tại, yếu kém của đô thị về các mặt đó để quyết định phân loại.
Phân loại đơn vị hành chính theo khung điểm
Theo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính, điểm phân loại đơn vị hành chính các cấp là tổng số điểm đạt được của các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế- xã hội và các yếu tố đặc thù của đơn vị hành chính đó.
Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được phân loại I khi có tổng số điểm đạt được từ 75 điểm trở lên; Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được phân loại II khi có tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 75 điểm; Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã không đạt khung điểm xác định loại I, loại II thì được phân loại III.
Nghị quyết cũng quy định, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính loại đặc biệt theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về thẩm quyền quyết định phân loại đơn vị hành chính các cấp, Thủ tướng Chính phủ sẽ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, loại II và loại III; Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân loại đơn vị hành chính cấp huyện loại I, loại II, loại III; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp xã loại I, loại II, loại III.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm xác định, phân loại đơn vị hành chính cũng như phân loại đô thị. Đồng thời, việc phân loại này sẽ liên quan đến một mục tiêu rất lớn để quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền của từng địa phương trong từng giai đoạn.
+ Cũng trong chiều nay, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia trước khi tiến hành bế mạc phiên họp thứ 48.