Từ 1/7/2016 đến nay, cấp tỉnh đã ban hành 153 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 51 nghị quyết của HĐND tỉnh, 102 quyết định của UBND tỉnh. Cấp huyện, xã bình quân mỗi đơn vị ban hành 2 văn bản, trong đó, nội dung chủ yếu quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và Quy chế làm việc của HĐND, UBND.
Việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản đã tổ chức lấy ý kiến các ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; các hồ sơ đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách riêng, đặc thù của tỉnh đều được đăng tải trên Cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.
Việc thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện đúng quy định củaluật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Việc soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan đề xuất quan tâm thực hiện tốt.
Quang cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện.
Đồng chí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các văn bản quy phạm pháp luật đối với sự phát triển KT-XH tại địa phương. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ngoài việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, cần đảm bảo giải quyết hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với quyền lợi của người dân; đảm bảo tính công khai, minh bạch, phát huy vai trò phản biện xã hội, giám sát của MTTQ và người dân trong quá trình thực hiện…
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị một số vấn đề trong thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; việc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định; việc áp dụng các điều khoản của luật; hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật; về ban hành văn bản trong trường hợp rút gọn; hiệu lực của văn bản quy định chi tiết...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Đồng chí cho rằng, những đề xuất, kiến nghị của tỉnh tại buổi làm việc rất thiết thực. Đối với các vấn đề còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Đoàn công tác sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung phù hợp.
* Chiều cùng ngày, Đoàn đã khảo sát việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại UBND huyện Bình Xuyên.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Trần Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh.
Tại buổi khảo sát, đại diện UBND huyện Bình Xuyên nêu một số khó khăn khi thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP, đồng thời đề xuất mở rộng thẩm quyền được quy định tại Điều 30 của luật, cho phép cấp huyện được ban hành văn bản QPPL đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác quản lý Nhà nước tại địa phương; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị của huyện Bình Xuyên. Đối với các vấn đề còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Đoàn công tác sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.