ỦY BAN PHÁP LUẬT LẤY Ý KIẾN VỀ NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

08/08/2019

Ngày 08/8 tại thành phố Cần Thơ, với sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật) với sự tham dự của gần 100 đại biểu là ĐBQH, đại biểu HĐND, đại diện lãnh đạo các địa phương khu vực Tây Nam Bộ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật xuất phát từ quá trình thực thi vừa qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, đồng thời thực hiện yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương về việc "nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành luật ".

Quang cảnh hội nghị

Các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Tư pháp trình bày một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật và nghe báo cáo tham luận về trách nhiệm của Chính phủ trong việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật trình QH thông qua; thảo luận về 5 nội dung trọng tâm gồm: lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo dự án luật, pháp lệnh; thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án luật trước khi trình Quốc hội; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật…

Từ thực tế có rất nhiều nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ là quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh hoặc văn bản của Trung ương, không quy định chính sách mới, nhiều ý kiến đề nghị, nghiên cứu để xác định lại cho hợp lý, sát thực tế hơn các văn bản cần thiết phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo hướng: chỉ có nghị định tại khoản 3 Điều 19 của Luật 2015 (nghị định không đầu) và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh tại khoản 4 Điều 27 của Luật 2015 (quy định các biện pháp đặc thù) mới phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách. Một số đại biểu địa phương kiến nghị, nên mở rộng phạm vi cho phép HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL để quy định những chính sách đặc thù ở địa phương (ví dụ: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến học…) bằng nguồn lực của địa phương hoặc thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Quy định về thẩm quyền và các trường hợp được áp dụng soạn thảo VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Điều 146 và Điều 147 của Luật cũng được một số đại biểu đánh giá là chưa hợp lý và còn thiếu. Các đại biểu này đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm 3 trường hợp nữa là: để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật; để kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn; phải ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Nhà nước ta là thành viên theo yêu cầu về thời hạn thực hiện quy định trong điều ước quốc tế đó. Có đại biểu đề nghị, nghiên cứu bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự; đồng thời nêu rõ, sẽ báo cáo đầy đủ các vấn đề đại biểu đặt ra, kết hợp với những vùng, địa phương mà Ủy ban Pháp luật dự kiến làm việc để thu thập nhiều nhất các ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Luật. Theo chương trình, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL sẽ được báo cáo UBTVQH tại Phiên họp tháng 9 tới và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám vào tháng 10 tới./.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)