Toàn cảnh buổi làm việc
Đại diện lãnh đạo Công an Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ khi Luật Cư trú được ban hành đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an Tp. Hồ Chí Minh, kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu, cụ thể hóa thêm trách nhiệm của công dân khi thực hiện Luật Cư Trú. “Ở một số khu giải tỏa có khi 3-4 năm nhưng công dân không đến báo chỗ mới mà vẫn lấy hộ khẩu chỗ cũ vẫn còn, nên chính sách an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng và các chính sách khác bị ảnh hưởng. Tôi đề nghị chúng ta phải tính toán trách nhiệm của công dân khi thay đổi” - Thiếu tướng Trần Đức Tài nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh, trăn trở: “Cho cư trú thì nên quy hoạch theo địa bàn, ví dụ người dân muốn đến ở đó thì phải liên hệ phường, phường hỏi là anh/chị có con không? Đó là điều kiện đầu tiên, đảm bảo có chỗ học thì anh đến ở, chứ bây giờ ai cũng đến tập trung ở đó, các em đi học sỉ số lớp sẽ tăng lên thì không đảm bảo được quyền học tập của học sinh.”
Đại diện các Phòng, ban thuộc Công an Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay công tác quản lý về thủ tục hành chính vẫn còn căn cứ vào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, do vậy khi hoàn thiện, vận hành thông suốt cơ sở dữ liệu dân cư được thì bỏ sổ hộ khẩu sẽ khả thi hơn.
Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an Tp. Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Chúng ta có thể sử dụng hình thức là, hiệu lực pháp luật vẫn áp dụng từ 01/7/2021, nhưng mã số định danh đã đăng ký vẫn tồn tại song song với sổ hộ khẩu trong quá trình chuyển giao hình thức giữa sổ hộ khẩu và cơ sở dữ liệu quốc gia. Riêng trường hợp đăng ký mới thì không cấp sổ mới.”
Đối với đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, riêng Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội là địa phương có tốc độ tăng dân số nhanh nên cần phải nghiên cứu kỹ hơn và thực hiện theo lộ trình. “Trong lộ trình đó, tôi cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương quan tâm về quy hoạch, dự báo vấn đề phát sinh, đầu tư trước về giáo dục, y tế, nguồn lực khác để khi kết thúc lộ trình sẽ đáp ứng việc thực hiện xóa bỏ những điều kiện riêng khi đăng ký thường trú thành phố thực thuộc trung ương” - Chủ nhiệm Uỷ ban Hoàng Thanh Tùng nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Hoàng Thanh Tùng cho biết: Những ý kiến đóng góp cụ thể của Tp. Hồ Chí Minh vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và biện pháp tăng cường công tác quản lý về cư trú, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới./.