BÁO CÁO MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

04/09/2020

Chiều 04/9/2020, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, làm việc, khảo sát thực tế tại một số Bộ, ngành, địa phương, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật này. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cùng dự thảo Luật đã được tiếp thu, hoàn thiện một bước nữa và đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Để có thêm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật này, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) để các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến.

Nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã được khảo sát về việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Đồng thời, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, liên quan đến quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Có ý kiến cho rằng, để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người thuê, mượn, ở nhờ nhà ở, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thì việc giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết, song nên giới hạn mức diện tích nhà ở tối thiểu này không được thấp hơn 8m2 sàn/người để bảo đảm điều kiện sống của người dân, tránh tùy nghi trong quá trình triển khai thực hiện – đây cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Một số ý kiến đề nghị lựa chọn tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi thường trú, thể hiện ý định gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký thường trú và tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật ở mọi địa phương, không có sự phân biệt về vùng, miền, địa bàn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện dự thảo Luật đang thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất tại điểm b khoản 3 Điều 21.

Đại biểu băn khoăn quy định về xóa đăng ký thường trú

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong khi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn với quy định về xóa đăng ký thường trú, đề nghị cần xem xét thận trọng các trường hợp xóa đăng ký thường trú bởi có thể sẽ tác động bất lợi đến người dân khi thực hiện các quyền và thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin cá nhân, thông tin về nơi thường trú.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, cân nhắc, các cơ quan đều thấy rằng việc “xóa đăng ký thường trú” đã được quy định trong Luật hiện hành; dự thảo Luật do Chính phủ trình tiếp tục quy định về xóa đăng ký thường trú nhưng đã có những điều chỉnh để phù hợp với việc thực hiện phương thức quản lý cư trú mới thông qua cơ sở dữ liệu. Cụ thể: xóa đăng ký thường trú chỉ là xóa thông tin về nơi thường trú đang được đăng ký của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; khi tra cứu thông tin về nơi thường trú của công dân sẽ không thể hiện địa chỉ nơi thường trú đã bị xóa, còn mọi thông tin khác của công dân đó vẫn được giữ nguyên trên các cơ sở dữ liệu nói trên.

Như vậy, việc xóa đăng ký thường trú nhằm ghi nhận chính xác tình trạng cư trú của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý dân cư nói chung và quản lý về cư trú nói riêng; không làm ảnh hưởng đến các thông tin cá nhân, thông tin về hộ tịch khác của công dân; dữ liệu liên quan đến lịch sử quá trình cư trú của công dân vẫn được lưu giữ trên hệ thống để phục vụ công tác quản lý cũng như tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện việc đăng ký cư trú tại nơi ở mới hay khi trở lại nơi đã bị xóa đăng ký thường trú. Do đó, đối với trường hợp công dân đã vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên nhưng không đăng ký cư trú ở nơi ở khác và cũng không khai báo tạm vắng thì không thể tiếp tục ghi nhận nơi đã đăng ký là nơi thường trú của người này để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, tránh tình trạng cư trú ảo, đồng thời cũng tạo áp lực để người dân có ý thức hơn trong việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về cư trú. Điều 25 của dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa theo hướng nêu trên.

2 loại ý kiến khác nhau về quy định đăng ký tạm trú, thời hạn tạm trú, thủ tục gia hạn tạm trú trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện vẫn còn 2 ý kiến khác nhau về điều kiện đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (quy định tại khoản 2 Điều 28)

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định có tính kế thừa Luật hiện hành là người đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản, nhưng có bổ sung ngoại lệ đối với người đăng ký tạm trú có quan hệ nhân thân. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước. Khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó. Do đó, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và trật tự quản lý nhà nước về cư trú. Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà tràn lan mà không khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật đang thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất tại khoản 2 Điều 28.

Về thời hạn tạm trú, thủ tục gia hạn tạm trú, cũng đang có hai ý kiến khác nhau. Cụ thể:

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định như trong dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú. Việc quản lý cư trú vẫn được bảo đảm thực hiện thông qua thông tin được khai báo, đăng ký trên Cơ sở dữ liệu về cư trú và qua các biện pháp nghiệp vụ, nắm địa bàn của Công an ở địa phương.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần bổ sung vào Điều 28 quy định về thời hạn tạm trú như Luật hiện hành, nhưng nên rút xuống là 01 năm để phân biệt với việc đăng ký thường trú. Người đăng ký tạm trú thường là những người chưa có ý định cư trú lâu dài, ổn định hoặc đăng ký cư trú vào những chỗ ở không có tính ổn định, lâu dài. Do đó, việc yêu cầu những người này định kỳ đăng ký lại việc tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn, đồng thời đây cũng là giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở đã đăng ký tạm trú khi đã có đủ điều kiện. Dự thảo Luật đang được thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất.

Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành Luật Cư trú sửa đổi

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cho thấy, đa số các ý kiến đều nhất trí với thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01/7/2021 như cam kết của Chính phủ và Bộ Công an. Tuy nhiên, do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, cập nhật dữ liệu và hoàn thiện trước khi có thể vận hành một cách xuôn xẻ trên thực tế, nên trong quá trình này, nếu phát sinh các vấn đề mới có thể dẫn đến việc không thể kịp hoàn thành theo thời gian nói trên, thì Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.

Liên quan đến đề nghị cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân sau khi Luật này đã có hiệu lực thi hành, thì hiện vẫn còn 02 loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Bởi trong giai đoạn đầu khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú với các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, thì khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước (ví dụ như đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông…), người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình. Nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành thì việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp trước đây thay cho việc phải đến cơ quan Công an để xin cấp Giấy tờ xác nhận về cư trú để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự tại những nơi chưa thực hiện được việc kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một giải pháp phù hợp và khả thi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả cơ quan quản lý và người dân. Ở những nơi đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú.

Loại ý kiến thứ hai nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày Luật có hiệu lực thi hành và không cần có quy định chuyển tiếp, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 01/7/2021 bởi cho rằng phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ; quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Do ý kiến còn khác nhau nên nội dung này đã được thể hiện thành 02 phương án cụ thể tại khoản 3 Điều 39 của dự thảo Luật./.

Lan Hương - Minh Hùng