ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 13: THẨM TRA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2023

30/03/2023

Sáng 30/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13 để thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA ỦY BAN PHÁP LUẬT VÀ BỘ TƯ PHÁP NĂM 2023: PHỐI HỢP NHỊP NHÀNG, TRIỂN KHAI TỐT NHẤT NHIỆM VỤ ĐỀ RA

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm và các ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía cơ quan trình có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến; Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện UBND Tp.Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thực hiện chương trình công tác năm 2023, chuẩn bị nội dung cho phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 13 để thẩm tra các nội dung: dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Tờ trình của Chính phủ về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xem xét thông qua Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban pháp luật năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khai mạc phiên họp

Đề xuất bổ sung 13 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 18 dự án luật, nghị quyết cho Chương trình năm 2024

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; nghe các tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí về đề nghị xây dựng các dự án luật.

Theo đó, đối với Chương trình năm 2023, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 13 dự án, gồm 11 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết. Cụ thể: tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đề nghị bổ sung 07 dự án, gồm 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết; trong đó: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 5 dự án luật là Luật Căn cước công dân (sửa đổi);  Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị bổ sung 04 dự án luật, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp; trình Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Thủ đô (sửa đổi). Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 01 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Tòa án nhân dân tối cao cũng đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2023, thông qua tại phiên họp tháng 12/2023.

Đối với Chương trình năm 2024, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình 18 dự án luật.

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày Tờ trình của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Trong đó, Chính phủ đề nghị 14 dự án. Tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 05 dự án, là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội cho ý kiến 07 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân. Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 07 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến 02 dự án  là Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).

Tòa án nhân dân tối cao đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024 dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao

Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung Tờ trình của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và của đại biểu Quốc hội. Qua đó, đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; cho ý kiến về các đề nghị xây dựng luật, hồ sơ đề nghị, thủ tục, nội dung các chính sách trong các dự án bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi; cân nhắc thời điểm trình các dự án và đưa ra các kiến nghị đề xuất, giải pháp.

Cân đối số lượng các dự án Luật trình tại một kỳ họp Quốc hội bảo đảm hợp lý, phù hợp với tình hình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã rất khẩn trương triển khai công tác rà soát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ các dự án luật để đề xuất đưa vào Chương trình, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá cao cố gắng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong thực hiện quyền trình đề nghị xây dựng dự án Luật. Nhận thấy hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án được chuẩn bị cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung các đề nghị cơ bản bám sát các định hướng đã được đề ra trong Đề án Định hướng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng đặc biệt đánh giá cao và ủng hộ việc đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị hồ sơ và đề nghị xây dựng Luật; khẳng định việc đại biểu Quốc hội trình đề nghị xây dựng Luật là thực hiện quyền sáng kiến lập pháp theo quy định tại Hiến pháp (Điều 84), Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 29), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 33).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới

Các đại biểu cũng lưu ý đến việc nguyên tắc lập Chương trình xây dựng luật pháp lệnh theo hướng ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện các cam kết quốc tế; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, theo Kết luận số 19/KL-TW và Đề án Định hướng, Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15, Chính phủ được giao nghiên cứu, rà soát các đạo luật về thuế để đề xuất sửa đổi, bổ sung và đưa vào Chương trình năm 2023, 2024; Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 265/BC-CP ngày 09/8/2022 về kết quả nghiên cứu, rà soát các nhiệm vụ lập pháp được giao, trong đó thể hiện rõ sự cần thiết và nhu cầu phải khẩn trương sửa đổi một số luật thuế quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa trình hồ sơ nào đề nghị đưa các dự án sửa đổi, bổ sung các luật thuế vào Chương trình năm 2023, 2024.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương chuẩn bị để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bổ sung các dự án nêu trên vào Chương trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó đề nghị tập trung nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu cần được đưa vào dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2024.

Các đại biểu cũng cho biết khối lượng nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khóa XV là rất lớn, đặt ra nhiều áp lực đối với các đại biểu Quốc hội. Với số lượng lớn các luật phải xem xét cho ý kiến nếu không được sớm tiếp cận hồ sơ tài liệu dự án luật, các đại biểu sẽ không có đủ thời gian xem xét kĩ lưỡng, thấu đáo. Do đó các đại biểu cũng cân nhắc việc sắp xếp các dự án luật đưa vào Chương trình, khắc phục tình trạng bổ sung quá gấp và có sự cân đối số lượng các dự án tại mỗi kì họp, ưu tiên trình trước đối với những nội dung cấp thiết, bức xúc thì cần trình trước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và xem xét thông qua Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban pháp luật năm 2022.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng  - An ninh Trịnh Xuân An

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đỗ Thị Việt Hà 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám

Ủy viên Uỷ ban Pháp luật, Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm

Bảo Yến - Nghĩa Đức