SỬA ĐỔI LUẬT LƯU TRỮ: PHÁT HUY GIÁ TRỊ TÀI LIỆU LƯU TRỮ ĐỂ TÀI LIỆU ĐƯỢC “SỐNG VÀ PHỤC VỤ” XÃ HỘI

31/08/2023

Tại Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức vào chiều 30/8, các ý kiến đều nhất trí với việc sửa đổi luật và đánh giá cao nhiều nội dung mới như phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, lưu trữ tư, lưu trữ điện tử, lưu trữ số…qua đó các tài liệu lưu trữ vẫn tham gia vào đời sống xã hội thực tiễn với những vai trò, giá trị không thể thay thế.

LẤY Ý KIẾN CHUYÊN GIA VỀ DỰ THẢO LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Dự thảo Luật được soạn thảo trên cơ sở 04 nhóm chính sách đã được Quốc hội khóa XV thông qua. Chính sách 1 về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Chính sách 2 về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử. Chính sách 3 về quản lý tài liệu lưu trữ tư. Chính sách 4 về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng Luật Lưu trữ năm 2011 đã đi vào thực tiễn giúp cho tài liệu lưu trữ, công tác lưu trữ và người làm lưu trữ được quan tâm hơn nhiều. Tuy nhiên do còn thiếu chế tài và các biện pháp kiểm tra giám sát nên việc thi hành Luật cũng có nhiều hạn chế. Nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa rõ ràng, chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như chưa quy định về quản lý tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư; giải mật tài liệu; quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ nhưng chưa rõ ràng, cụ thể….

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang chủ trì hội thảo

Đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ khảo sát tại một số đơn vị, tài liệu nằm ngổng ngang trong các kho, hoặc nằm trong bao, trong các thùng tôn, mặc dù việc này kéo dài nhiều năm nhưng cũng không giải quyết được do thiếu chế tài mạnh, đủ để các cơ quan tổ chức thấy cần phải chấp hành pháp luật về lưu trữ.

Từ những lý do nêu trên, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là việc làm hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đồng thời thích ứng nhanh với khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Xuân Hùng phát biểu

Nhiều ý kiến đánh giá cao việc dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã dành một chương điều chỉnh nội dung về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, thay vì chỉ dành một điều như Luật hiện hành. Cho rằng đây  là bước chuyển lớn về nhận thức đối với vai trò, vị trí đặc biệt của tài liệu lưu trữ, để tài liệu được “sống và phục vụ” xã hội bằng cả những giá trị lịch sử và thực tiễn.

Thực tế hiện nay, rất ít cơ quan, tổ chức chủ động đăng ký nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ lịch sử. Lưu trữ lịch sử rất khó khăn trong việc thu thập tài liệu từ các nguồn nộp lưu, do thiếu quy định có tính pháp lý đủ mạnh, thiếu chế tài. Cơ quan, tổ chức thường né tránh, không coi trọng nhiệm vụ nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử. Để giải quyết tình trạng này, các ý kiến cho rằng, Luật cần có quy định về giám sát và đánh giá trách nhiệm nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Các nguồn nộp lưu phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định, quy trình và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc việc nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử. Cần có những quy định cụ thể về tài liệu quá hạn nộp lưu theo quy định tại các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu về thẩm quyền sử dụng thông tin và phát huy giá trị tài liệu tại Lưu trữ cơ quan. Đồng thời, Cơ quan Lưu trữ lịch sử cần được trao quyền đầy đủ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Lưu trữ lịch sử nhà nước.

Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ phát biểu tại hội thảo

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong tìm kiếm, xác định nội dung và bảo quản tư liệu liên quan đến dòng họ, đến làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) nơi sở hữu hai di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO là “Mộc bản Trường học Phúc Giang” và “Hoàng Hoa sứ trình đồ”, Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ ngoài các tư liệu của các cơ quan nhà nước xưa và nay, các tài liệu của cá nhân, dòng họ  đang được quản lý tại các cơ quan lưu trữ nhà nước thì có khá nhiều tư liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ, của làng xã xưa… trong đó một số có thể lập hồ sơ công nhận di sản tư liệu các cấp như tỉnh, thành phố, quốc gia, khu vực quốc tế. Do đó, cần xác định và phân biệt di sản tư liệu, di sản tư liệu được công nhận, để việc quản lý, bảo tồn, phát huy cần làm rõ hơn cho từng loại. Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ cho rằng trong lần sửa đổi Luật Lưu trữ lần này cần có câu trả lời cho việc bảo quản, quản lý, phát huy các giá trị di sản đang được bảo quản tại tư gia của đại diện dòng họ.

Phó Chủ tịch Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam Vũ Thị Phụng cho biết Hội Văn thư – Lưu trữ nhất trí với quy định tại Điều 7, Chương II của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) khi quy định: “Tài liệu lưu trữ tư thuộc Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam”. Đồng thời đánh giá cao việc dự thảo Luật có chương riêng về Lưu trữ tư với nhiều nội dung mới, cập nhật và kịp thời đặt ra những quy định để Luật hóa quan điểm, chính sách của Nhà nước và điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực lưu trữ tư - một lĩnh vực đang đặt ra nhiều vấn đề cần được Nhà nước và xã hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam Vũ Thị Phụng phát biểu

Phó Chủ tịch Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam Vũ Thị Phụng nêu rõ tài liệu lưu trữ tư thuộc sở hữu của các cá nhân, gia đình, dòng họ, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế (không phải là doanh nghiệp nhà nước) và các tổ chức khác có nội dung phản ánh đời sống dân sinh và đời sống xã hội đương đại, có giá trị đối với các chủ sở hữu, đồng thời một số tài liệu có ý nghĩa, giá trị đặc biệt đối với quốc gia, địa phương… nên cần được Nhà nước quan tâm, có chính sách quản lý và tạo điều kiện để hoạt động lưu trữ ở khu vực tư phát triển. Nếu được quản lý và thực hiện tốt, tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ tư sẽ góp phần ổn định xã hội, giảm bất ổn, cung cấp thông tin cho hoạt động quản lý xã hội và quản trị quốc gia, nghiên cứu lịch sử…

Chính vì vậy, việc Luật Lưu trữ (sửa đổi) dành một chương riêng để quy định vấn đề này là rất quan trọng và cần thiết. Mục tiêu của Luật là tạo khuôn khổ pháp lý gồm quan điểm, chính sách, nguyên tắc, yêu cầu, phương pháp để các chủ sở hữu tư có nhận thức đúng, có ý thức, trách nhiệm và biết cách tổ chức các hoạt động lưu trữ theo đúng khuôn khổ pháp lý do nhà nước quy định, phục vụ lợi ích của chính chủ sở hữu và lợi ích chung của quốc gia và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam Vũ Thị Phụng cũng cho rằng dự thảo Luật cần thể hiện rõ nét hơn tinh thần chuyển đổi sang lưu trữ điện tử, lưu trữ số. Một số quy định của dự thảo Luật như về quy định nghiệp vụ lưu trữ vẫn nặng về lưu trữ truyền thống. Do đó, đề nghị không cần thiết phải có chương riêng quy định về lưu trữ điện tử, lưu trữ số mà nội dung này cần phải nằm ở tất cả các chương của dự thảo Luật, từ giải thích từ ngữ, đến các chính sách của Nhà nước về lưu trữ, hoạt động lưu trữ.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Lưu trữ Đinh Thế Vinh cho biết, kinh nghiệm các nước trên thế giới như Nga, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore cho thấy các hoạt động như hoạt động tu bổ phục chế tài liệu lưu trữ; khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; bảo hiểm tài liệu lưu trữ đều cho tư nhân tham gia, miễn đáp ứng đủ các điều kiện, quy định mà cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra. Do đó, dự thảo Luật lần này nếu không bổ sung hoạt động tu bổ phục chế tài liệu lưu trữ; khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; bảo hiểm tài liệu lưu trữ vào Điều 43 Chương VII là một trong các hoạt động dịch vụ lưu trữ thì Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra, và không bắt kịp được xu thế phát triển của thời đại về hoạt động lưu trữ trong tương lai.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam Đinh Thế Vinh phát biểu

Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 tới. Do đó các ý kiến chuyên gia tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp Ủy ban Pháp luật trong quá trình tiến hành thẩm tra dự án Luật này.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang chủ trì hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng trình bày báo cáo đề dẫn

 

Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ Tp.Hồ Chí Minh Phan Long Hồ phát biểu tại hội thảo

Đại diện Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự, Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Quân phát biểu tại hội thảo

Đại diện Phòng Lưu trữ, Văn phòng Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang kết luận hội thảo.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác