RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA THỦ ĐÔ ĐẢM BẢO PHÙ HỢP, KHẢ THI

26/09/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023) tới đây. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về phát triển văn hóa thủ đô đảm bảo phù hợp, khả thi. Trong đó, lưu ý bổ sung thêm các nội dung cụ thể trong yêu cầu phát triển về trung tâm thiết kế; công nghiệp văn hóa;…

THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ CÁC CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Dự thảo Luật được bố cục thành 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Về phát triển văn hoá, thể thao Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tạo lập môi trường văn hoá văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến, trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế, dự thảo Luật quy định các cơ chế để phát triển văn hóa, giáo dục, trong đó có một số cơ chế nổi bật như: Xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 06 lĩnh vực (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa); giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể… Quy định này sẽ tạo động lực, góp phần lan tỏa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các chính sách phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô tại Điều 23 của dự thảo Luật cơ bản bám sát các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương  và Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ; nhiều nội dung cơ bản kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật Thủ đô hiện hành.

Qua rà soát, một số chủ trương, chính sách đã được đề cập trong các văn bản của Trung ương nhưng chưa được thể chế hóa trong dự thảo Luật. Chẳng hạn như: việc phát triển bền vững, đồng bộ thị trường dịch vụ văn hóa với các loại thị trường khác, việc phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống theo yêu cầu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW; việc phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hoá; tăng cường tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch, triển lãm và phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế theo yêu cầu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại theo yêu cầu tại Nghị quyết số 33-NQ/TW hoặc yêu cầu xây dựng và hoàn thiện trường quay tại Hà Nội, xây dựng thương hiệu liên hoan phim quốc tế Hà Nội có uy tín trong khu vực và châu Á tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa các chủ trương này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Nêu quan điểm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, việc quy định về xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong dự thảo Luật (khoản 3 Điều 23) sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần thúc đẩy tiến độ và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Thủ đô trong lĩnh vực này. Đây là chủ trương đã được đề ra từ Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ giao HĐND Thành phố quy định trình tự, thủ tục thành lập và nội dung ưu đãi đối với Trung tâm này mà chưa làm rõ chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Trung tâm đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Thủ đô. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm nhiều lĩnh vực như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ rõ, theo quy định của dự thảo Luật thì chỉ xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa đối với một số lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa mà không có một số lĩnh vực khác như lĩnh vực quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế… Đề nghị tiếp tục rà soát để có quy định phù hợp trong dự thảo Luật.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa, vừa qua tại Luật Điện ảnh sửa đổi mong muốn có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội nhưng nếu cả nước thì khó mà một mình Thủ đô thì lại dễ; Thủ đô cũng đã có nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa;…. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại trong Nghị quyết về công nghiệp văn hóa của Thủ đô có điểm gì luật hóa được để “tạo điều kiện cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển ngoài phạm vi của cả nước, tức là đi trước cả nước, mạnh hơn cả nước”.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, gợi mở một  số nội dung cụ thể liên quan vấn đề về bảo tồn, trùng tu các di sản tại Thủ đô.

Cho ý kiến về quy định này tại dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần có cơ chế đặc biệt để không chỉ phát triển công nghiệp văn hóa mà còn phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa nghìn năm văn hiến, từ đó đầu tư nguồn lực xứng đáng cho phát triển văn hóa của Thủ đô. Đồng thời, có chiến lược, kế hoạch cụ tể để giữ gìn và tôn tạo, phát triển những di sản văn hóa, nghiên cứu cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp tạo thuận lợi để thủ đô có bước tiến đột phá trong thực hiện các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này.  

Trên cơ sở kinh nghiệm áp dụng tại các địa phương khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần có tính toán phù hợp với đặc thù của thủ đô để các cơ chế, chính sách có yếu tố đột phá, tạo động lực cho thủ đô phát triển xứng tầm với mục tiêu đề ra.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang tiếp tục được rà soát, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội  cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10/2023 tới đây./.

Lan Anh