ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 18
ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM KẾ THỪA KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ
Tại phiên họp, sau khi nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), tiến hành thảo luận về nội dung này, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi); ghi nhận hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, với tinh thần cầu thị cao, gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.
Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 18
Nhấn mạnh rằng, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi Luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò, mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW. Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan. Đồng thời, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi về ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật
Đồng thời lưu ý cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm. Không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác. Các nội dung đã và đang được thực hiện thí điểm ở Hà Nội và các địa phương khác qua sơ kết, tổng kết thấy có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô và đạt được sự thống nhất cao thì nghiên cứu đưa vào Luật; một số nội dung trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua thì Luật Thủ đô cũng có thể quy định mức đặc thù cao hơn; các nội dung chưa rõ, chưa thật ổn định, còn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu.
Nhiều đại biểu quan tâm đề quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thủ đô, các đại biểu cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như đề xuất trong dự thảo Luật. Đây là sự kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và qua sơ kết cho thấy nhiều kết quả tích cực, phù hợp với tình hình, đặc điểm của thành phố Hà Nội.
Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Tuy nhiên về vấn đề này, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng Hà Nội là Thủ đô của cả nước nhưng Hà Nội cũng là một trong 63 tỉnh/thành của cả nước. Do đó, chính quyền thành phố Hà Nội là một tổ chức chính quyền địa phương, giống như các chính quyền, tổ chức đô thị của các tỉnh/thành phố, đô thị khác và thống nhất theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị cân nhắc để bổ sung toàn bộ nội dung thí điểm vào Luật Thủ đô, trong khi mục tiêu xây dựng chính sách để phát triển thành phố Hà Nội. Đại biểu cho rằng nên phân biệt Thủ đô và Hà Nội. Thủ đô là của cả nước, trách nhiệm chung của cả nước và niềm tự hào của cả nước, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử sẽ khác với thành phố Hà Nội. Từ phân tích trên đại biểu cho rằng nên chuẩn bị để sửa đổi Luật Tổ chức quyền địa phương, xây dựng Luật Tổ chức quyền đô thị là phù hợp.
Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Tờ trình dự án Luật đã nêu rõ, trong thời gian tới dự kiến quyền hạn của Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội được tăng thêm, do đó, dự thảo Luật nêu rõ tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố hoạt động chuyên trách có thể tăng từ 20 - 25%.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố thì cần phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách và tập trung vào việc đổi mới phương thức, cách thức làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Tán thành với quy định của dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn nêu rõ dự kiến nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng nhân dân thành phố tăng lên rất nhiều, do đó có thể tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên cao hơn, có thể quy định mức ít nhất là 40% như đối với đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại bày tỏ tán thành với quy định về việc tăng thẩm quyền cho thường trực Hội đồng nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần phải giải quyết những vấn đề phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn cũng lưu ý cần phải có cơ chế để kiểm soát, tránh việc lạm dụng thẩm quyền này trong thực hiện giữa hai kỳ họp nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư công đã được phân cấp, giao thẩm quyền cho thành phố.
Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh phát biểu tại phiên họp
Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh cho biết hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định về việc Hội đồng nhân dân ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân. Trong quá trình hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định tại Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp khác.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 629/2019/NQ-UBTVQH14 hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân trong đó quy định, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định.
Tuy nhiên trong Nghị quyết đối với hà Nội và trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lại quy định là trong trường hợp giải quyết vấn đề đột xuất thì Hội đồng nhân dân tổ chức các kỳ họp bất thường. Do đó đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nghiên cứu để quy định bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thống nhất trong áp dụng giữa các địa phương.
Theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thảo luận lần đầu về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)./.