Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục thảo luận một số vấn đề như trách nhiệm của các cơ quan trong việc chỉ đạo, tổ chức bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Hội đồng bầu cử Quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; Tuyên truyền vận động bầu cử…
Đại biểu Trần Văn Tấn-Tiền Giang Ảnh: Đình Nam
Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến phát biểu đều thể hiện sự tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội đều tán thành với quy định của dự thảo luật về dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm để ít nhất 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Tuy nhiên, theo các đại biểu như Lê Thị Yến-Phú Thọ, Trần Văn Tấn-Tiền Giang, Nguyễn Hữu Đức-Tiền Giang quy định về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân lại chung chung, chỉ mang tính định tính “số lượng thích đáng đối với người ứng cử là nữ, người ứng cử là dân tộc thiểu số” (Khoản 1, Điều 9).
Đại biểu Lê Thị Yến - Phú Thọ
Theo đại biểu Lê Thị Yến, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho các cấp trong quá trình thực hiện. Đại biểu đề nghị, việc hướng dẫn xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cần chú trọng với tiêu chuẩn cho phù hợp, không vì cơ cấu thành phần mà ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Minh- Bắc Kạn đề nghị quan tâm giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội là người dân tộc, phụ nữ thì phải thật tiêu biểu để khi đưa ra bầu cử sẽ đạt tỷ lệ cao trong những người trúng cử đại biểu.
Về Hội đồng bầu cử Quốc gia, đại biểu Hà Thị Lan- Bắc Giang bày tỏ tán thành với dự thảo luật về việc quy định Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập và hoạt động gắn với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ đạo, hướng dẫn việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Việc quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia trong dự thảo luật là cần thiết, mang tính kế thừa về tổ chức, hoạt động của Hội đồng bầu cử Trung ương như hiện hành, thực hiện đúng yêu cầu không làm phát sinh thêm bộ máy nhà nước.
Đại biểu Phạm Đức Châu-Quảng Trị
Đại biểu Phạm Đức Châu-Quảng Trị đề nghị, luật cần làm rõ việc hủy bỏ kết quả bầu cử của Hội đồng nhân dân các cấp có nằm ngoài phạm vi chỉ đạo, hướng dẫn của bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với Ủy ban bầu cử các cấp.
Về tuyên truyền, vận động bầu cử, đa số các đại biểu đều tán thành với quy định về hai hình thức vận động bầu cử là gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử và sử dụng phương tiện thông tin đại chúng
Về các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử, đại biểu Đặng Minh Châu- Hà Nội đánh giá, đây là bước tiến mới so với luật hiện hành. Tuy nhiên, quy định về cấm lôi kéo, mua chuộc cử tri còn chưa thật khái quát, ở đây cần hiểu toàn diện về lợi ích không chỉ là lợi ích vật chất mà còn cả lợi ích tinh thần.
Đại biểu Touneh Drong Minh Thắm-Lâm Đồng
Đại biểu Touneh Drong Minh Thắm-Lâm Đồng đề nghị, có thể xem xét, bổ sung vào quy định cấm, không được sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, tài sản, kinh phí, cơ sở vật chất của cơ quan, của đơn vị, tổ chức mình để thực hiện tranh cử, thiếu bình đẳng. Vì trên thực tế đã xảy ra một số trường hợp, người đứng đầu tổ chức, đơn vị hoặc một số lĩnh vực dùng việc làm của mình, của cơ quan, đơn vị mình để phục vụ cho việc hoạt động bầu cử trong giai đoạn tổ chức vận động bầu cử.
Bên cạnh những vấn đề cụ thể, một số đại biểu cũng góp ý hoàn thiện một số vấn đề chung như dự thảo luật chưa quy định rõ cơ chế giám sát hoạt động bầu cử trước, trong và sau bầu cử. Các quy định hiện nay nặng về quy trình tổ chức bầu cử. Các đại biểu đặt ra vấn đề ai sẽ giám sát và giám sát như thế nào về hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử tỉnh, huyện cũng như quy trình hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc.