Điều 3 dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương”.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu chí cụ thể để các cơ quan, tổ chức lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng.
Đại biểu Lê Thị Yến-Phú Thọ Ảnh: Đình Nam
Về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Yến-Phú Thọ cho rằng để phù hợp với tên gọi của luật và tránh việc phải dẫn chiếu đến các luật khác nên quy định ngay vào luật này về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Lê Thị Yến cho biết Điều 20 Luật tổ chức Quốc hội đã quy định 5 năm nội dung về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và Khoản 2, Điều 7 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định 4 nội dung về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn.
Theo đại biểu, đối với đại biểu Quốc hội thì ngoài những tiêu chuẩn chung cần có những tiêu chuẩn riêng. Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có đủ trình độ, năng lực, kiến thức, kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá từ lý luận đến thực tiễn. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp, ngoài những tiêu chuẩn chung thì cũng cần quy định những tiêu chuẩn riêng cho mỗi cấp.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Âu Thị Mai-Tuyên Quang
Tán thành ý kiến trên, các đại biểu Nguyễn Văn Minh-Bắc Kạn, Âu Thị Mai-Tuyên Quang, Nguyễn Thị Thanh Hòa-Bắc Ninh cho rằng tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà phải xem trong các văn bản luật khác sẽ rất chồng chéo. Ngoài hai luật là Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương còn văn bản hướng dẫn về tiêu chí cụ thể. Vì vậy, nên quy định ngay tại luật này để tránh phải cầm thêm nhiều văn bản luật khác.
Đại biểu Đỗ Văn Đương-TP.Hồ Chí Minh cho biết tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cơ bản giống với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhưng cũng không hẳn là một.
Dù các tiêu chuẩn này có giống nhau, song theo đại biểu luật nên quy định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo đó mà giới thiệu người ứng cử; để dân biết, dân lựa chọn bầu; tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri không phải tra cứu từ luật này sang luật khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc-Bình Thuận
Bên cạnh đó cũng có ý kiến tán thành với phương án quy định như trong dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc-Bình Thuận cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật là phù hợp, vừa gọn, vừa rõ. Trên cơ sở các quy định đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự thích đáng làm đại biểu cho mình đảm bảo chất lượng.
Theo đại biểu Hà Thị Lan-Bắc Giang việc dẫn chiếu các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ tránh việc trùng lắp, chồng chéo đảm bảo sự thống nhất của hệ thống các văn bản pháp luật trong việc quy định về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại cuối kỳ họp này.