UỶ BAN PHÁP LUẬT CHO Ý KIẾN VỀ ĐỀ ÁN THÀNH LẬP 05 PHƯỜNG THUỘC THỊ XÃ LONG KHÁNH VÀ THÀNH LẬP THÀNH PHỐ LONG KHÁNH, TỈNH ĐỒNG NAI

25/03/2019

Chiều ngày 25/3, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 17, Uỷ ban Pháp luật cho ý kiến về Đề án thành lập 05 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Báo cáo về việc thành lập 05 phường Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre, Bàu Sen thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai​

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Báo cáo về việc thành lập 05 phường Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre, Bàu Sen thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai. Theo đó, thành phố Long Khánh không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc nhưng giảm 05 xã và tăng 05 phường. Tỉnh Đồng Nai không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc nhưng giảm 01 thị xã, tăng 01 thành phố.

Điều kiện thành lập 05 phường Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre, Bàu Sen thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai đã bảo đảm đúng theo các quy định về điều kiện tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan của thành phố Long Khánh và của tỉnh Đồng Nai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, việc thành lập thành phố Long Khánh đã đảm bảo đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hoá của địa phương và tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trên địa bàn.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phạm Trí Thức trình bày Báo cáo của Ủy ban Pháp luật

Trình bày Báo cáo ý kiến nghiên cứu về Đề án thành lập 05 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho biết: Thị xã Long Khánh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vị trí quan trọng về quôc phòng, an ninh, về phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận. Trong những năm qua, thị xã Long Khánh đã đạt được những thành tựu nổi bật, kinh tế - xã hội từng bước dịch chuyển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Việc thành lập 05 phường và thành lập thành phố Long Khánh sẽ tạo điều kiện cho Long Khánh phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế sẵn có; giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; đồng thời thúc đẩy Long Khánh trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, thương mại – dịch vụ, góp phần đảm bảo an ninh – quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và khu vực. Do đó, việc thành lập 05 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai là cần thiết. Hồ sơ, đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đã đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập 05 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai. Để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ban hành.

Ngoài ra, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Toà án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có ý kiến chính thức về việc thành lập Toà án nhân dân tối cao thành phố Long Khánh và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Long Khánh trên cơ sở kế thừa nguyên trạng Toà án nhân dân thị xã Long Khánh và Viện kiểm sát nhân dân thị xã Long Khánh và quy định nội dung này ngay ở trong Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 05 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Đây là việc làm cần thiết vì trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vấn đề đô thị hoá là cần thiết, do đó cần phải điều chỉnh địa giới hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ và tỉnh Đồng Nai phải có đề án cụ thể để triển khai Nghị quyết này cho đến khi Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

+ Trước đó, tại phiên họp chiều ngày 15/3, Uỷ ban Pháp luật đã cho ý kiến về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể một xã thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Uỷ ban Pháp luật tán thành với việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã: Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn và giải thể xã Suối Trầu thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Và cho rằng việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính các xã có liên quan của huyện Long Thành là một trong những việc làm cần thiết để triển khai thực hiện chủ trương của Quốc hội về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Uỷ ban Pháp luật kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn và giải thể xã Suối Trầu thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai./.

Vân Ngọc - Nghĩa Đức