PHIÊN GIẢI TRÌNH VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ BẢO TRÌ NHÀ CHUNG CƯ

24/04/2019

Sáng 24/04, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ.

Tham dự phiên giải trình có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng các đại biểu Quốc hội và thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật nghe giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư

Làm rõ tình hình thực tế về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, vấn đề nhà ở được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Hiến pháp nước ta quy định rõ Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở. Trong đó vấn đề nhà ở chung cư ở nước ta đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ lâu, từ thời kỳ bao cấp, nhà nước đã xây dựng các khu nhà chung cư cho nhân dân, cán bộ. Đến nay trong điều kiện kinh tế thị trường, nhà chung cư lại có diện mạo mới, huy động được các nguồn lực xã hội, Nhà nước, nhân dân, các doanh nghiệp và người có nhu cầu nhà ở tham gia đầu tư tạo nên bộ mặt mới của đô thị và mở rộng diện tích nhà ở cho nhân dân nhất là tại các đô thị lớn. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, tình hình gia tăng dân số, sự sôi động của thị trường bất động sản thì việc phát triển nhà ở chung cư ngày càng phổ biến, tạo diện mạo mới cho đô thị, cho đất nước, đáp ứng đời sống của nhân dân. Trong quá trình phát triển đó có nhiều mặt tiến bộ, ngày càng đổi mới nhưng cũng còn có vấn đề tồn tại cần được khắc phục.

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Pháp luật và thực hiện luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ. Qua đó thấy được những mặt tốt, tích cực để phát huy và thấy được những tồn tại hạn chế mà dư luận nhân dân nêu ra, làm rõ thực trạng của những vấn đề được phản ánh số vi phạm, số tranh chấp trên tổng số nhà chung cư hiện nay như thế nào. Một mặt phát huy được những việc làm tốt, động viên được doanh nghiệp, nhân dân tiếp tục tham gia phát triển nhà chung cư, phát triển nhà ở xã hội. Một mặt khắc phục được những hành vi lạm dụng, lợi dụng. Đồng thời có thông tin chính thức làm rõ những phản ánh trong dư luận hiện nay, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện công tác chỉ đạo điều hành nâng cao hiệu lực, hiệu quả phát triển nhà chung cư, đặc biệt là quản lý phí bảo trì chung cư, bảo vệ quyền lợi ích của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc phiên giải trình

Hầu hết các chung cư không có tranh chấp về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung

Báo cáo tại phiên giải trình, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trong phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, về cơ bản các chủ thể có liên quan đều có ý thức thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở nói chung, việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng  kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% nhà chung cư nói riêng, các quy định của Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã từng bước đi vào cuộc sống, điều chỉnh được hầu hết các hoạt động trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tổng hợp số liệu của 40 địa phương có báo cáo đến thời điểm 31/3/2019, cho thấy có 4354 tòa chung cư, chiếm hơn 96% tổng số nhà chung cư đã đưa vào quản lý, vận hành nhưng không có vướng mắc tranh chấp về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. Tỷ lệ tranh chấp, khiếu nại về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung ở các địa phương có nhà chung cư chiếm tỷ lệ không lớn.  Thống kê cho thấy có tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành, chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư ở 11 địa phương, trong đó có 68 tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%. Các tranh chấp, khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì cho Ban quản trị; chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư; chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác; chủ đầu tư không công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng phí bảo trì.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình tại phiên họp

Tại phiên giải trình, các thành viên Ủy ban Pháp luật cùng các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư như về cách tính phí bảo trì, thời điểm thu kinh phí bảo trì, phương thức quản lý, sử dụng; việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì; việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị nhà chung cư; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm.

Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ việc quy định mức phí bảo trì chung cư là 2% giá trị căn hộ mà người mua phải đóng cho 20 năm đầu và việc giao cho chủ đầu tư thu có thực sự phù hợp, thực tế tại các chung cư sử dụng khoản kinh phí này như thế nào; phân định trách nhiệm bảo hành và bảo trì chung cư của chủ đầu tư. Cùng với đó trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư là rất lớn, tuy nhiên thực tế nhiều nhà chung cư không thể thành lập được Ban quản trị, các thành viên tham gia Ban quản trị không đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Do đó, các đại biểu đề nghị Bộ có quan tâm để giải quyết vấn đề này, cần có nghiên cứu về các mô hình Ban quản trị, việc thành lập Ban quản trị bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn vai trò đại diện cho chủ sở hữu nhà chung cư. Các đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá đầy đủ để xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban quản trị và cơ quan quản lý nhà ở địa phương trước những bất cập hiện nay.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền đề nghị làm rõ tính hợp lý của quy định hiện hành về mức thu và phương thức thu kinh phí bảo trì nhà chung cư

Kết luận nội dung phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu dánh giá cao một số nội dung Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đã thực hiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản hoàn thiện và được tổ chức thực hiện khá tốt. Bộ Xây dựng và chính quyền các cấp có hướng dẫn tổ chức thực hiện và thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Với trên 90% nhà chung cư không phát sinh tranh chấp, khiếu nại cho thấy chính sách, pháp luật đã đi vào cuộc sống. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận, cần tiếp tục phát huy.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại ở một số địa phương chấp hành chưa nghiêm về quản lý sử dụng kinh phí bảo trì làm phát sinh tranh chấp. Tuy tỷ lệ không nhiều những có một số tranh chấp, khiếu nại kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Do đó đề nghị cần phải có giải pháp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế này. Đề nghị các bộ ngành liên quan, các địa phương theo chức năng nhiêm vụ tổ chức thực hiện tham mưu cấp trên phối hợp thực hiện tốt, có giải pháp khắc phục hạn chế; cùng với đó Bộ Xây dựng cần khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các phương án sửa đổi chính sách pháp luật để ban hành theo thẩm quyền, xem xét sửa đổi Luật Nhà ở trong năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy định hiện hành, đồng thời có nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong thời gian tới

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy vai trò đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, tiếp thục triển khai thực hiện chỉ thị số 29 ngày 9/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường thông tin tuyên truyền phản ánh đúng khách quan tình hình, đấu tranh phê phán hành vi tiêu cực nhưng cũng kịp thời biểu dương nhân rộng các mô hình quản lý vận hành tốt, bảo vệ quyền lợi người dân, an ninh trật tự xã hội.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác