PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 26 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

05/02/2020

Sáng ngày 05/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 26. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp toàn thể lần thứ 26 của Ủy ban Pháp luật

Để chuẩn bị các nội dung cho phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 2/2020, tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Tờ trình, Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham gia phiên họp còn có đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ…cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thảo luận về các nội dung của dự án Luật này.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chỉ rõ, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; sự thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên. Các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất; một số quy định thiếu tính khả thi.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh khẳng định,  việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Một số nội dung lớn sửa đổi lần này được Chính phủ trình như tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng. Bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Quy định rõ thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản; bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử. Mở rộng phạm vi chủ thể được quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định vi phạm hành chính. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới (ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn); bổ sung quy định về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…Sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trao đổi tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình, song cũng đề nghị bổ sung làm rõ căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể đối với các nội dung của dự thảo Luật. Nhiều ý kiến đại biểu về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; việc bổ sung 02 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đề nghị cơ quan soạn thảo có giải trình làm rõ về việc nhiều nội dung sửa đổi mới chỉ chú trọng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa chú trọng đến quyền cơ bản của công dân được Hiến định như tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, tăng mức tiền phạt, mở rộng việc tạm giữ đối với người vi phạm hành chính, tăng thời hạn và giao Chính phủ áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền công dân.

Liên quan đến việc tăng mức phạt tiền tối đa, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi liệu có cần bổ sung nguyên tắc đối với cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính phải thấp hơn mức phạt tiền tối thiểu là hình phạt chính đối với hành vi vi phạm hình sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nhấn mạnh việc sửa đổi phải khắc phục được những tồn tại, bất cập vướng mắc trong quy định cuả Luật và áp dụng luật trong thực tế; đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống vi phạm hành chính trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, bổ sung đánh giá tác động với các chính sách mới, có rà soát thống kê đầy đủ tình hình thực tiễn về mức xử phạt, đối tượng áp dụng…cần làm rõ hơn quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc xây dựng Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ như đối với đề nghị nâng mức xử phạt hành chính theo lĩnh vực cần có thống kê, báo cáo cụ thể của từng lĩnh vực. Lĩnh vực nào chưa hợp lý thì sửa đổi quy định phù hợp khả thi hơn, tăng ở một số lĩnh vực cần thiết. Đồng thời bổ sung chế tài trách nhiệm của người thi hành công vụ, những ng trực tiếp xử lý hành chính có chế tài để phòng ngừa lạm dụng.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của cơ quan soạn thảo; nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục những bất cập hạn chế sau hơn 7 năm thực hiện Luật, cũng như đáp ứng yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm hành chính. Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật được Ủy ban Pháp luật tán thành nhưng vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu và có giải trình bổ sung, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ​kết luận nội dung thảo luận

Chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án về việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức