Để chuẩn bị các nội dung cho phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 02/2020, tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Tờ trình, Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thảo luận về các nội dung của dự án Luật này.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình, song cũng đề nghị bổ sung làm rõ căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể đối với các nội dung của dự thảo Luật.
Sáng ngày 05/02, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp toàn thể lần thứ 26 của Ủy ban Pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp buổi sáng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình, song cũng đề nghị bổ sung làm rõ căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể đối với các nội dung của dự thảo Luật.
Nhiều đại biểu cho ý kiến về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; việc bổ sung 02 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn...
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đại biểu về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đề nghị cơ quan soạn thảo có giải trình làm rõ về việc nhiều nội dung sửa đổi mới chỉ chú trọng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa chú trọng đến quyền cơ bản của công dân được Hiến định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trao đổi tại phiên họp.
Liên quan đến việc tăng mức phạt tiền tối đa, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi liệu có cần bổ sung nguyên tắc đối với cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính phải thấp hơn mức phạt tiền tối thiểu là hình phạt chính đối với hành vi vi phạm hình sự.
Đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nhấn mạnh việc sửa đổi phải khắc phục được những tồn tại, bất cập vướng mắc trong quy định cuả Luật và áp dụng luật trong thực tế; đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống vi phạm hành chính trong thời gian tới.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của cơ quan soạn thảo; nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục những bất cập hạn chế sau hơn 7 năm thực hiện Luật, cũng như đáp ứng yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm hành chính.
Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật được Ủy ban Pháp luật tán thành nhưng vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu và có giải trình bổ sung, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.