Ủy ban Pháp luật thẩm tra Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội

10/03/2017

Sáng 10/3, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Theo Tờ trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội gồm 5 chương, 24 điều, quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; bám sát các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kế thừa những quy định về một số hình thức giám sát, phản biện xã hội đã thực hiện ổn định, phù hợp bước đầu đã đạt kết quả trong thời gian qua và kinh nghiệm thực hiện trên thực tế về hoạt động giám sát và phản biện xã hội; cụ thể trình tự tiến hành, cách thức, biện pháp và quy trình giám sát, phản biện xã hội sao cho hình thức được rõ ràng, mạch lạc, thông suốt và có hiệu quả.

Đa số ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến thảo luận tại phiên họp đều tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội và các quan điểm được nêu trong Tờ trình về yêu cầu xâu dựng Nghị quyết; cho rằng dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng công phu, cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các luật, nghị quyết có liên quan khác và thực tiễn hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thời gian gần đây.

Về chủ thể ban hành Nghị quyết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định chủ thể ban hành Nghị quyết là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì cho rằng, việc ban hành nghị quyết liên tịch giữa 03 chủ thể là không mâu thuẫn với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thay vi ba chủ thể có thẩm quyền được giao quy định chi tiết được ban hành 02 nghị quyết liên tịch thì 03 chủ thể này thống nhất ban hành 01 nghị quyết liên tịch là phù hợp với thẩm quyền được giao.

Về chủ thể giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Nghị quyết quy định ngoài Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có 05 tổ chức chính trị- xã hội khác là Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Thẩm tra vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho biết, theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội (kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/3/2013 của Bộ Chính trị) thì đối tượng, nội dung và phạm vi giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 05 tổ chức chính trị- xã hội này đã được xác định rõ. Tại Báo cáo số 865/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu trước Quốc hội về việc chỉnh lý dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) đã khẳng định: “Trong phạm vi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là do Mặt trận chủ trì, còn các tổ chức chính trị- xã hội với tư cách là thành viên Mặt trận thì chỉ chủ trì giám sát theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tham gia với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp giám sát đối với đối tượng, nội dung có liên quan. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không điều chỉnh hoạt động giám sát của các tổ chức thành viên của Mặt trận với vai trò độc lập của các tổ chức này”. Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định các tổ chức chính trị- xã hội có vai trò độc lập, tự chủ trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội là chưa thật sự phù hợp với chủ trương của Đảng và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát và phản biện xã hội, các ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đều cho rằng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định kinh phí hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm, trong đó có kinh phí hoạt động giám sát và phản biện xã hội (khoản 1, Điều 38). Vì vậy, việc dự thảo Nghị quyết quy định kinh phí động giám sát và phản biện xã hội còn do việc huy động, tiếp nhận các nguồn kinh phí hợp pháp khác là không thống nhất với quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến tính khách quan trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, để bảo đảm việc xây dựng Nghị quyết có tính khả thi, chất lượng thì cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh; cụ thể hóa các nguyên tắc giám sát, phản biện xã hội được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chẳng hạn như: thực hiện giám sát công khai, minh bạch, không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Đối với phản biện xã hội thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng các ý kiến khác nhau… Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, hoạt động giám sát và phản biện xã hội phải được quy định theo hướng không trùng lắp, không để tình trạng một vụ việc có nhiều cơ quan, tổ chức cùng thực hiện trong cùng một thời gian, một địa bàn nhất định. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định việc tổ chức các đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương phải có cơ chế phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ; các đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương phải có cơ chế phối hợp với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu ý kiến của Ủy ban thẩm tra và ý các kiến thảo luận tại phiên họp, hoàn thiện lại báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong phiên họp tới.

Tin và ảnh: Thu Phương