UỶ BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA TỜ TRÌNH VỀ VIỆC THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THUỘC TIONHR VĨNH PHÚC

29/01/2018

Tiếp nối chương trình làm việc của Phiên họp toàn thể lần thứ 10, chiều 29/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập 2 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình tại Phiên họp

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về việc thành lập phường Tiền Châu và phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên cùng thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: xã Tiền Châu và xã Nam Viêm là 02 trong 10 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Phúc Yên. Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế- xã hội của 02 xã này có những chuyển biến căn bản, đặt ra cho các xã này nhiều vấn đề cấp thiết trong quản lý. Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền nông thôn không còn phù hợp, cần thiết thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị. Bên cạnh đó, ngày 21/1/2013, thị xã Phúc Yên đã được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 93/QĐ-Bộ Xây dựng. Do vậy, việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tạo tiền đề pháp lý cho thị xã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh phúc nói chung, thị xã Phúc Yên nói riêng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc với những căn cứ được nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ; cho rằng việc thiết lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên là phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, xã Tiền Châu, xã Nam Viêm và thị xã Phúc Yên đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập phường và thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại III được quy định tại Nghị quyết số 1211 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Hồ sơ Đề án và trình tự thủ tục lập Đề án đã đáp ứng đủ quy định của pháp luật.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra những phương án cụ thể để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc làm lại con dấu của các cơ quan, tổ chức; thay đổi địa chỉ giấy tờ của công dân, cơ quan, tố chức và đặc biệt là áp lực về cơ sở hạ tầng và chất lượng đô thị, nguy cơ ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng lưu ý chỉ đạo các địa phương làm chặt chẽ và đầy đủ theo đúng trình tự, thủ tục phân loại đô thị đối với các khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính đô thị được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính Phủ cần chỉ đạo địa phương tập trung huy động vốn đầu tư toàn xã hội và vốn đầu tư công để tiếp tục thúc đẩy xây dựng phát triển thị xã Phúc Yên sau khi được nâng cấp lên thành phố; bố trí lực lượng công an chuyên trách cho 02 phường mới trên tinh thần không tăng biên chế. Cùng với đó, rà soát số liệu tại các phụ lục đi kèm của hồ sơ đề án đảm bảo chính xác trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.

 

Thu Phương