HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP ĐƯỢC CẢI TIẾN Ở TẤT CẢ CÁC KHÂU TRONG NĂM VỪA QUA

06/04/2018

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, sáng 06/4, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Tư pháp; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2017 các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị tốt một số lượng lớn dự án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quang ngang bộ đầu tư thời gian và nguồn lực nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là việc nghiên cứu, đề xuất các dự án luật theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc rà soát  sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày Tờ trình

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể: một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thật sự chủ động trong việc lập đề nghị xây dựng luật, dẫn đến chưa hoàn thành đúng thời hạn; việc lập đề nghị Chương trình còn chưa dự liệu hết được các yếu tố về tiến độ và chất lượng, chưa tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung cũng như tác động của các chính sách trong dự án, dự thảo do các cơ quan đề xuất.

Cho ý kiên về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu, từ lập chương trình, soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý dự án đến xem xét, thông qua. Công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, vào cuộc sống từ rất sớm. Công tác soạn thảo, thẩm định được các cơ quan có trách nhiệm coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Chính phủ có nhiều chỉ đạo, ưu tiên cho công tác thảo luận, tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Hộ đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thận trọng xem xét từng dự án mói lần cho ý kiến đều có kết luận cụ thể về từng dự án. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian hơn cho việc tổ chức góp ý xây dựng luật; thời gian thảo luận tại hội trường được tăng thêm, tính đối thoại, tranh luận và phản biện trong phát biểu của các đại biểu Quốc hội được thể hiện rõ, các luật được thông qua trong năm 2017 có số phiếu rất cao.

Thành viên Ủy ban Pháp luật phát biểu ý kiến

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác lập và triển khai Chương trình vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa được đánh giá cao, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên; việc tham gia ý kiến của các cơ quan hữu quan, tổ chức hữu quan đối với một số dự án luật còn nặng về hình thức, một số cơ quan thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của mình, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản đồng ý…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ phải bố trí thời gian hợp lý để thảo luận sâu hơn nữa về các chính sách trong từng dự án. Khi trình dự án, nếu có ý kiến khác so với cơ quan thẩm tra, với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì báo cáo với Quốc hội để thảo luận, xem xét. Cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc gửi hồ sơ, tài liệu dự án đúng thời hạn quy định, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội sớm được tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án.

Một số thành viên Ủy ban cũng đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật; chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng và tiến độ trình dự án; phải có mặt tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo, giải trình khi được yêu cầu./.

Hồ Hương