Sáng 30/8 tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường Mỹ Đức (thuộc thị xã Hà Tiên) và thành lập Thành phố Hà Tiên (thuộc tỉnh Kiên Giang). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường Mỹ Đức (thuộc thị xã Hà Tiên) và thành lập Thành phố Hà Tiên (thuộc tỉnh Kiên Giang), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Thị xã Hà Tiên có diện tích tự nhiên 100,49km2 và dân số 81.576 người (số liệu thống kê năm 2017); có 7 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 4 phường: Tô Châu, Đông Hồ, Bình San, Pháo Đài và 3 xã Mỹ Đức, Thuận Yến, Tiên Hải). Trong đó xã Mỹ Đức có 16,96 km2 diện tích đất tự nhiên và dân số 9.108 người.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết thành lập phường Mỹ Đức (thuộc thị xã Hà Tiên) và thành lập Thành phố Hà Tiên (thuộc tỉnh Kiên Giang) theo tờ trình của Chính phủ. Việc thành lập phường Mỹ Đức và Thành phố Hà Tiên đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, tạo tiền đề và động lực phát triển, phát huy lợi thế của đô thị Hà Tiên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn trong giai đoạn mới…
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường Mỹ Đức (thuộc thị xã Hà Tiên) và thành lập Thành phố Hà Tiên (thuộc tỉnh Kiên Giang).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo các ý kiến về đề án.
Thảo luận tại phiên họp, một số thành viên Ủy banPháp luật kiến nghị Tờ trình, Đề án của Chính phủ cần giải trình bổ sung, làm rõ thêm việc thành lập thành phố Hà Tiên sẽ dẫn đến một số thay đổi về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, con dấu… của các cơ quan, tổ chức.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan trình Đề án và các cơ quan hữu quan bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Đề án trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.