PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ KHÓA XIV CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

04/04/2021

Sáng 03/4, tại Hưng Yên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì hội nghị tổng kết. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự hội nghị.

Dự tổng kết còn có Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cán bộ công chức Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, đại diện các cơ quan hữu quan.

Điểm lại một số nét chính trong hoạt động của Ủy ban Pháp luật trong gần 05 năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV hoạt động trong bối cảnh tình hình đất nước có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 với quy mô trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm tòi, chủ động đổi mới phương thức làm việc để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Pháp luật là một nhiệm kỳ của tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo, tích cực đổi mới, cải tiến phương thức, hoàn thiện quy trình làm việc, thích ứng kịp thời với điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu của tình hình nhiệm vụ và đã hoàn thành có hiệu quả một khối lượng công việc rất lớn, trên tất cả các lĩnh vực tư xây dựng pháp luật đến giám sát, tham gia quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại buổi tổng kết, điểm lại những kết quả công tác trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Ủy ban Pháp luật

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Pháp luật đã chủ trì thẩm tra 12 dự án luật, 05 nghị quyết của Quốc hội, 08 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trong số các dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc phạm vi trách nhiệm chủ trì thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, có nhiều dự án quan trọng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH của Đảng đoàn Quốc hội và tại các nghị quyết, thông báo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Nghị quyết về việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng…; nhiều dự án có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Cư trú (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài nội dung chủ trì thẩm tra đối với các dự án thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Pháp luật còn thực hiện việc tham gia thẩm tra đối với 69 dự án luật, 16 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 2 dự án pháp lệnh, 11 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan này trong quá trình giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý văn bản.

Trong năm 2016 và 2017, Ủy ban Pháp luật đã được Quốc hội giao chủ trì giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai nội dung giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”. Kết quả giám sát là cơ sở để Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thành tựu nổi bật của Ủy ban Pháp luật trong nhiệm kỳ này là thẩm tra và phục vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định để giảm số lượng, tăng quy mô các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng. Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua tổng cộng 46 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể là, đã tiến hành sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.041 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 theo đúng chủ trương, kế hoạch của Trung ương, Bộ Chính trị. Có thể nói, việc Ủy ban Pháp luật thẩm tra và tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tác động rất lớn đến xã hội, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại buổi tổng kết

Ủy ban Pháp luật còn thẩm tra, tham mưu, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về việc thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập 11 thành phố, 9 thị xã, 16 thị trấn, 136 phường trên cơ sở các đơn vị hành chính nông thôn hoặc đô thị hiện có. Điều này góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, kiện toàn bộ máy chính quyền đô thị, giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Đồng thời, kiến nghị để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và chính quyền địa phương có liên quan khẩn trương rà soát các khu vực có tranh chấp về địa giới hành chính do lịch sử để lại; chủ động xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, bảo đảm sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương có liên quan.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Pháp luật cũng đã triển khai mạnh mẽ việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình. Ủy ban Pháp luật là một trong những cơ quan đầu tiên của Quốc hội áp dụng hình thức họp toàn thể Ủy ban trực tuyến (đến tháng 3/2021, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức 06 phiên họp trực tuyến). Việc tổ chức các phiên họp trực tuyến này là phù hợp với yêu cầu, diễn biến của tình hình thực tế; đáp ứng kịp thời yêu cầu thẩm tra các dự án, đề án trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong tổ chức và hoạt động của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vẫn còn một bộ tồn tại, hạn chế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, những hạn chế, bất cập này không phải là cơ bản và nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khối lượng công việc mà Ủy ban phải đảm nhiệm rất lớn, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, trong khi bộ phận Thường trực có ít thành viên, bộ phận tham mưu giúp việc cũng còn cần được kiện toàn hơn nữa. Trong nhiệm kỳ tới, Ủy ban, Thường trực Ủy ban cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phù hợp để từng bước khắc phục khó khăn, đổi mới, tiếp tục cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật nói riêng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung trong nhiệm kỳ khóa XV và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Phát biểu tại buổi tổng kết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ, cả nhiệm kỳ qua, Ủy ban Pháp luật đã đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, có nhiều đóng góp vào thành công chung của Quốc hội. Trong đó, công tác xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới ngay từ xây dựng chương trình; tổ chức thực hiện và kĩ thuật lập pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận những kết quả công tác trong nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Pháp luật

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự tham gia tích cực, của Ủy ban trong việc chủ trì giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai nội dung giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”, tạo tiền đề cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng chủ trương của Đảng. Đặc biệt, với cách làm mới, Ủy ban Pháp luật đã rút ngắn thời gian của các thủ tục khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Có những việc trước đây phải làm trong 3 tháng, thì nay chỉ cần trong một buổi. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là một đóng góp lớn của tập thể Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban và Vụ Pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, thời gian công tác tại Ủy ban các thành viên Ủy ban đã có bước trưởng thành quan trọng về chuyên môn và sự nghiệp, được cấp có thẩm quyền điều động, bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn giữa các vị trí quan trọng trong các cơ quan ở Trung ương và địa phương.

Cho biết, kế thừa truyền thống và có sự phát triển, Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ này đã tạo được dấu ấn là tập thể đoàn kết, trí tuệ, trách nhiệm, thẳng thắn và có tinh thần xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, Ủy ban sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào hoạt động chung của Quốc hội./.

Bảo Yến - Minh Thành