CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: CHỦ ĐỘNG, QUYẾT LIỆT, THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

05/09/2023

Ngày 6/9 tới, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết đã dược thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 5. Trao đổi trước thềm hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh đây là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật. Đồng thời ghi nhận thời gian qua các cơ quan đã có sự chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

 HỘI NGHỊ CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ: VÌ MỤC TIÊU GẮN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỚI TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Phóng viên: Được biết đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị nhằm triển khai các luật và nghị quyết của Quốc hội. Hội nghị này thể hiện sự đổi mới như thế nào của Quốc hội trong thời gian qua, thưa Chủ nhiệm?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Đây là hội nghị lần đầu tiên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức để đánh giá tình hình, kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Đây là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật. Qua đó tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu “lập pháp phải vì cuộc sống, phải dẫn dắt và kiến tạo sự phát triển” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh.

Phóng viên: Xin Chủ nhiệm cho biết những nội dung chính của hội nghị này?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Hội nghị tập trung xem xét, đánh giá về 03 nội dung chính.

Một là, quán triệt các điểm mới, nội dung quan trọng và thống nhất các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5;

Hai là, đánh giá kết quả tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến trước kỳ họp thứ 5; xem xét những vấn đề khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục;

Ba là, thảo luận, thống nhất về yêu cầu, nội dung triển khai công tác xây dựng pháp luật, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Phóng viên: Tại hội nghị này sẽ đánh giá về tình hình triển khai các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 5, vậy dưới góc độ là cơ quan "gác cổng" cho Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác triển khai các luật, nghị quyết thời gian qua?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Để đưa pháp luật vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông về hoạt động của Quốc hội, kịp thời thông tin đến cử tri và Nhân dân kết quả các kỳ họp của Quốc hội, qua đó giúp các cơ quan, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp sớm nắm bắt các chính sách mới, quan trọng trong các luật, nghị quyết, chủ động thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, xem xét báo cáo của Chính phủ và các cơ quan về công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết.

Qua theo dõi, giám sát cho thấy, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ đã tổ chức 17 phiên họp chuyên đề pháp luật, đề ra nhiều giải pháp đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các ngành, các cấp; tăng cường dẫn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết; chú trọng công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương có nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường truyền thông chính sách ngay từ khâu soạn thảo. Chính phủ cũng quan tâm bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và triển khai thi hành luật, nghị quyết, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp chế và thi hành pháp luật.

Cùng với đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo chức năng, nhiệm vụ tích cực tổ chức quán triệt, tập huấn, triển khai thi hành luật, nghị quyết; ban hành các văn bản quy định chi tiết được giao. Kiểm toán nhà nước đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát, xem xét các từ trình, báo cáo của Chính phủ và quyết định các vấn đề quan trọng. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với nhiều dự án luật quan trọng, tăng cường giám sát, tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, nghị quyết.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, với sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác thi hành luật, nghị quyết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Tính đến ngày 23/8/2023, đối với các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 08 tháng đến 1,5 năm. Chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn. Công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện....

Phóng viên: Vậy theo Chủ nhiệm, các cơ quan cần phải có những giải pháp như thế nào nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 5?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Tôi cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho việc thi hành luật, nghị quyết. Có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đa dạng hóa hình thức, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng các luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật, các văn bản có nhiều nội dung mới liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế, bộ máy tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Phóng viên: Tại phiên họp thứ 25 (tháng 8/2023) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc tuân thủ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm được Quốc hội thông qua. Vậy theo Chủ nhiệm, các cơ quan cần có giải pháp như thế nào để triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 luật, cho ý kiến đối với 08 dự án luật khác. Trong năm 2024, Quốc hội xem xét, thông qua 18 luật, 01 nghị quyết, cho ý kiến về 02 dự án luật khác. Bên cạnh đó, khối lượng công việc lập pháp có thể còn tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào Chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Với số lượng dự án trong Chương trình khá lớn, trong đó nhiều dự án có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan, đại biểu Quốc hội được giao trình dự án, soạn thảo luật, các cơ quan của Quốc hội phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tập trung nguồn lực và đặc biệt phải hết sức quyết liệt trong triển khai thực hiện thì mới có thể hoàn thành Chương trình đã đề ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình lập pháp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét kéo dài thời gian kỳ họp thường kỳ, chia kỳ họp thành các đợt hoặc tổ chức kỳ họp chuyên đề về công tác lập pháp để có thể xem xét cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng chương trình công tác lập pháp của năm 2023, 2024 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!

Bảo Yến - Phạm Thắng