HỘI THẢO QUỐC HỘI VIỆT NAM - 80 NĂM ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN VỀ HOẠT ĐỘNG LẬP HIẾN, LẬP PHÁP

21/10/2023

Sáng 21/10, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức hội thảo “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển về hoạt động lập hiến, lập pháp”. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thành viên Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” cùng các chuyên gia, các nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, đây là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch triển khai nghiên cứu Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Đề tài có ý nghĩa lịch sử, là hoạt động trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam diễn ra trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh hoạt động lập hiến, lập pháp là một trong những nội dung vô cùng quan trọng trong hoạt động Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, việc tổ chức Hội thảo nhằm cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn và đánh giá sự kiện, tổng kết lịch sử, phân tích bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra những dự báo cũng như kiến nghị nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động lập hiến, lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho đến nay, nước ta đã ban hành 5 bản Hiến pháp. Đó là, Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013. Các bản Hiến pháp này đều ra đời trong hoàn cảnh và thời điểm lịch sử nhất định, nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Mỗi bản Hiến pháp đều có quy định về quy trình sử dụng Hiến pháp. Trong đó, Hiến pháp năm 1946 đã tạo nên những giá trị nền tảng, lịch sử và đương đại của nền lập hiến nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Mặc dù ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy khó khăn, nhưng bản Hiến pháp năm 1946 đã chứa đựng những nội dung dân chủ, tiến bộ.

GS.TS Trần Ngọc Đường – Nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội

Từ việc nghiên cứu quy trình lập hiến, các chuyên gia đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định về kết quả đạt được trong hoạt động lập hiến, lập pháp ở nước ta, làm rõ sự kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động lập hiến, lập pháp; rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động lập hiến, lập pháp trong thời gian tới.

Cũng tại hội thảo, bàn về hoạt động lập pháp của Quốc hội, các chuyên gia cho rằng, hoạt động lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng của nhà nước đương đại, hoạt động này xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, cho nên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia chịu ảnh hưởng bởi chất lượng của hoạt động lập pháp.

Nhấn mạnh hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam qua các nhiệm kỳ đã không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và nâng cao về chất lượng, các chuyên gia cũng lưu ý đến việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới về kỹ thuật lập pháp, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành các dự án luật;…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, các luận cứ khoa học, thực tiễn và nội dung được trao đổi, thảo luận cũng như kiến nghị, đề xuất tại hội thảo là nguồn tư liệu, thông tin quan trọng, quý báu trong quá trình nghiên cứu Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện các báo cáo chuyên đề nghiên cứu liên quan đến cấu phần về hoạt động lập hiến, lập pháp của Đề tài.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Hội thảo “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển về hoạt động lập hiến, lập pháp”

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu khai mạc hội thảo

Các vị đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo

GS.TS Trần Ngọc Đường – Nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội

 TS.Dương Thị Thanh Mai – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

PGS.TS Bùi Xuân Đức – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và NCKH Mặt trận kiêm Viện trưởng Viện NCKH Mặt trận

Các vị đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo

PGS.TS Đinh Ngọc Vượng – Nguyên Viện trưởng Viện từ điển và Bách khoa thư Việt Nam

GS.TSKH Đào Trí Úc – Chủ tịch Hội Đồng Giáo sư ngành Luật

PGS.TS Lê Minh Thông – Nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII

GS.TS Lê Minh Tâm – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội

GS.TS Võ Khánh Vinh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ủy viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thương vụ Quốc hội

PGS.TS Phạm Hữu Nghị - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật 

Nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

TS.Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Quang cảnh hội thảo./.

Lê Anh - Ngọc Thúy - Phạm Thắng

Các bài viết khác