Về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL), nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định: “Hệ thống pháp luật quá phức tạp, chất lượng một số VBQPPL còn hạn chế, tính khả thi chưa cao, tình trạng luật “ống”, luật “khung” còn tồn tại nhiều trong khi việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, không kịp thời.
Theo Hiến pháp 2013, tinh thần và quy định mới của Hiến pháp là cơ sở hiến định quan trọng cho việc thể chế hóa các đạo luật, trong đó có Luật BHVBQPPL. Trên tinh thần đó, việc ban hành Luật BHVBQPPL là cần thiết để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, tiếp tục cải tiến quy trình lập pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng VBQPPL, xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, công khai và minh bạch.
|
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa 13. Ảnh minh họa/baophutho.vn. |
Nhóm nghiên cứu tán thành với sự cần thiết phải đơn giản hóa hệ thống VBQPPL, song đề nghị nên cân nhắc việc giữ quy định về hình thức nghị quyết của Quốc hội vì đây là điều cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức năng hoạt động của Quốc hội. Ngoài quyền lập pháp, Quốc hội còn quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hình thức văn bản để quyết định những vấn đề quan trọng này là nghị quyết của Quốc hội. Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị giữ lại hình thức “lệnh” của Chủ tịch nước để trong nhiều trường hợp, theo hiến định, Chủ tịch nước có quyền ra lệnh tổng động viên, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp…
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu tán thành với quy định của dự thảo luật, không quy định hình thức văn bản liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo luật bỏ quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ của Quốc hội và chỉ quy định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm tại kỳ họp thứ nhất của năm trước. Nhóm nghiên cứu chưa tán thành với quy định thành lập Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật và cho rằng, nên giao thẩm quyền này cho một cơ quan Nhà nước như Bộ Tư pháp hoặc Văn phòng Chính phủ.
Để nâng cao tính khả thi của VBQPPL, nhóm nghiên cứu đề nghị quy định rõ hơn thẩm quyền thẩm định, thẩm tra về nguồn nhân lực, tài chính về vấn đề môi trường để bảo đảm thi hành VBQPPL. Mặt khác, nhằm khắc phục tình trạng chậm trình hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, nhóm nghiên cứu đề nghị bổ sung qui định cơ quan chủ trì thẩm tra, thẩm định phải từ chối thẩm tra, thẩm định trong trường hợp hồ sơ dự án gửi không đúng thời hạn…
Theo tinh thần mới của Hiến pháp, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội là “công xưởng” của Quốc hội, với xu hướng tăng số lượng đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng của bộ máy giúp việc. Việc giao nhiệm vụ chủ trì chỉnh lý các VBQPPL cho các cơ quan của Quốc hội nhằm góp phần thể hiện đầy đủ nhất ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, “lợi ích nhóm” trong hoạch định và ban hành chính sách, pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, dự thảo luật có thêm 65 điều so với luật hiện hành. Ông Lý cũng đề nghị các chuyên gia làm rõ hơn việc bỏ nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH thì có được không? Ban soạn thảo có quyền giữ ý của mình không, và giữ ở mức độ nào.
Bà Trần Thị Dung, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật nêu câu hỏi: Tại Kỳ họp thứ 7, đại biểu Quốc hội đã chất vấn về việc có lợi ích nhóm trong soạn thảo luật. Vậy với việc ban hành luật mới có chấm dứt được tình trạng này không? Hiện tượng một số bộ, ngành ban hành VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật cần được xử lý như thế nào để chấm dứt trong luật mới.
Tuy cơ bản đồng tình với Ban soạn thảo nhưng ông Trần Tiến Dũng (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) vẫn đề nghị cân nhắc việc giữ lại nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện vì đây cũng là những văn bản quan trọng, là kỷ cương phép nước.
Chung quan điểm đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long khẳng định, quản lý Nhà nước thì không thể không ban hành VBQPPL. Ví dụ ở cấp xã, quy hoạch khu dân cư mà không ban hành thì sao làm được. Nếu bỏ hết thì không ai có trách nhiệm. Việc bỏ chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa cũng cần xem xét. Làm luật mà không có chiến lược, không có dài hạn, không có nhiệm kỳ thì không ổn.