Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 16

18/08/2014

Ngày 18 – 22.8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 16.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Pháp luật đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Theo Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sau 10 năm thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND, HĐND và UBND các cấp đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện; chất lượng hoạt động được nâng lên, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp đã bộc lộ những hạn chế như: quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND và UBND cơ bản giống nhau ở 3 cấp hành chính, chưa phân biệt theo đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; chưa phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương... Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương kế thừa và hoàn thiện các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính và đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương cấp tỉnh; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính  - kinh tế đặc biệt; phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các thành viên Ủy ban Pháp Luật cho rằng, đây là cơ sở để tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy hành chính được thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không tán thành phương án quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong Dự án Luật. Cụ thể, theo phương án 1 của dự án Luật, đối với địa bàn đô thị sẽ không tổ chức HĐND đối với quận và phường thuộc quận, phường thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh và phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; tại các đơn vị này sẽ chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương của quận, phường. Không tán thành phương án này, các thành viên Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phải tuân thủ chặt chẽ tư tưởng của Hiến pháp năm 1992: cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

+ Trong Phiên họp, Ủy ban Pháp luật cũng sẽ cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

(Theo Đại biểu Nhân dân)