Nhiều ý kiến phản biện, có tính khoa học cao tại Tọa đàm về dự án Luật Phòng thủ dân sự
Toàn cảnh Phiên họp
Cùng tham dự còn có Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Tân Cương; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Uỷ ban Tư pháp; Uỷ ban Xã hội; Uỷ ban Pháp luật cùng đại diện Ban soạn thảo dự án Luật và một số bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 14. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã có thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này và đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp tục chuẩn dự án Luật, báo cáo lại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng như để có thêm cơ sở thẩm tra dự án Luật, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo về dự án Luật Phòng thủ dân sự vào tháng 9/2022. Tại Hội thảo, đã có 24 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học gửi đến và nhiều ý kiến làm rõ thêm nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn. Mặt khác, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng giao Chính phủ và Quốc hội xây dựng Luật Phòng thủ dân sự. Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị các đại biểu tham dự có những phát biểu đóng góp chất lượng để phiên họp đạt hiệu quả cao, làm cơ sở quan trọng để Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự án Luật để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự
Trình bày Tờ trình dự án Luật tại Phiên họp, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đặt ra mục tiêu đến năm 2025 “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật liên quan, trong đó chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chủ trương chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguy hiểm…; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phòng thủ dân sự”.
Một trong các nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự là “Khẩn trương xây dựng Luật Phòng thủ dân sự; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới”… Do đó, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cũng cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 Chương, 71 Điều, quy định về hoạt động phòng thủ dân sự; Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự…
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng
Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng nêu rõ, Thường trực Uỷ ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với các cơ sở theo đề nghị của Chính phủ nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương có liên quan đến phòng thủ dân sự của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự. Việc xây dựng Luật đã được xác định tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội, cùng với đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự để tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả với các mối đe dọa, các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho Nhân dân, đất nước khi có tình huống xảy ra, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Đặc biệt, một trong những yêu cầu của Nghị quyết Nghị quyết số 22-NQ/TW là phải “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật liên quan...”. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để Quốc hội ban hành đạo luật quan trọng này.
Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn hoặc luật hóa những quy định đang thực hiện ổn định, không có vướng mắc tại các văn bản dưới luật cho đầy đủ, dễ thực hiện. Việc xây dựng luật này cần quy định các nguyên tắc, cơ chế chung về phòng thủ dân sự để xử lý các vấn đề về kỹ thuật lập pháp cho phù hợp. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu khá kỹ lưỡng, công phu; bổ sung một số tài liệu cần thiết, trong đó đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung quan trọng để hạn chế sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Về bố cục của dự thảo Luật, Thường trực Uỷ ban đề nghị cần tiếp tục bám sát khái niệm “Phòng thủ dân sự” mới được bổ sung, thiết kế thêm một số nội dung để bảo đảm cân đối giữa các vấn đề lớn.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Tân Cương phát biểu tại Phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu tham dự bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương có liên quan đến phòng thủ dân sự của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu sau mỗi buổi làm việc.
Về cụ thể, các đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật cơ bản bao quát được các nội dung có liên quan đến phòng thủ dân sự. Việc bổ sung cấp độ phòng thủ dân sự là vấn đề mới để phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố đã được quy định tại các luật chuyên ngành. Cấp độ phòng thủ dân sự sẽ được xác định làm căn cứ để áp dụng các biện pháp hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp. Tuy nhiên, nội dung này cần được nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể, khoa học, làm rõ được phạm vi, cách thức, mức độ, tiêu chí xác định cấp độ. Các đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để xây dựng nội dung phòng thủ dân sự với vai trò là một bộ phận của phòng thủ đất nước nhưng không chồng lấn sang phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành.
Bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Luật, một số ý kiến cho rằng quy định về cấp độ phòng thủ chưa rõ căn cứ, cụ thể, rõ ràng; dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 nhưng chưa quy định trong dự thảo Nghị định; khó xác định chính xác về cấp độ phòng thủ dân sự để có thể đưa ra các quyết định, áp dụng biện pháp phù hợp, hiệu quả, trong khi đa số lĩnh vực có liên quan đã được các luật khác quy định. Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng góp ý về nhiều nội dung cụ thể của dự án Luật, nhất là về các dạng thảm hoạ, sự cố; đánh giá mức độ rủi ro về thảm hoạ, sự cố; phân loại cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự và một số nội dung khác của dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu kết thúc phiên họp
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu để tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp với mục tiêu giải quyết tốt nhất những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự. Các ý kiến cũng là cơ sở để Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 9/2022.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị các đại biểu tham dự có những phát biểu đóng góp chất lượng để phiên họp đạt hiệu quả cao, làm cơ sở quan trọng để Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự án Luật để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu tham dự bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương có liên quan đến phòng thủ dân sự của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu sau mỗi buổi làm việc
Các đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật cơ bản bao quát được các nội dung có liên quan đến phòng thủ dân sự. Việc bổ sung cấp độ phòng thủ dân sự là vấn đề mới để phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố đã được quy định tại các luật chuyên ngành. Cấp độ phòng thủ dân sự sẽ được xác định làm căn cứ để áp dụng các biện pháp hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp
Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng góp ý về nhiều nội dung cụ thể của dự án Luật, nhất là về các dạng thảm hoạ, sự cố; đánh giá mức độ rủi ro về thảm hoạ, sự cố; phân loại cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự và một số nội dung khác của dự thảo Luật
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu để tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp với mục tiêu giải quyết tốt nhất những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự