ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NHẰM XỬ LÝ DỨT ĐIỂM CÁC ĐIỂM ĐEN TIỀM ẨN TAI NẠN GIAO THÔNG

12/10/2022

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tư an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, các đại biểu cho rằng đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 3

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022 Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 8.313 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.714 người, bị thương 5.546 người. So với 9 tháng đầu năm 2021, số vụ tai nạn giao thông tăng 1,71% vụ việc, số người chết do tai nạn giao thông tăng 12,35% và giảm 1,84% người bị thương. Tai nạn giao thông 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2019 giảm 52,5% vụ việc.

Năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại trạng thái bình thường trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Đồng thời, trong năm cũng diễn ra nhiều sự kiện văn hoá, xã hội quy mô lớn đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu giao thông, cũng như số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông đã tạo áp lực lớn lên nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Mặc dù kết quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông so với năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 số lượng tai nạn giao thông giảm sâu cả 03 tiêu chí. Số vụ ùn tắc giao thông trên toàn quốc được kéo giảm so với cùng kỳ 2021 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng chống dịch COVID-19, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại; các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước đây. Tình hình an ninh trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không, trên các tuyến vận tải và phương tiện vận tải hành khách được duy trì tốt; công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến tàu, bến xe, ga, cảng, đơn vị vận tải tiếp tục được duy trì và đạt hiệu quả cao.

Đến tháng 9 năm 2022, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiến hành khởi công 09 công trình, dự án mới. Cùng với đó cũng phê duyệt Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2022 đối với hệ thống quốc lộ, đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Quản lý chuyên ngành triển khai thực hiện theo quy định nhằm quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên 05 lĩnh vực; chỉ đạo các đơn vị tổ chức vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nhằm bảo vệ kết cấu công trình và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó đặc biệt chú ý về công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các vị trí đường ngang giao với đường sắt.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, Chính phủ đã cơ bản khái quát đầy đủ kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022; đánh giá có trọng tâm những vấn đề Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tập trung chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông; từng bước hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh chỉ ra rằng các đô thị, kể cả các khu đô thị mới xây dựng vẫn chưa bảo đảm quy định về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ giao thông nông thôn đến giao thông đô thị, hệ thống quốc lộ và đường cao tốc phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, tính kết nối và sự đồng bộ chưa cao; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; kết quả của việc hạn chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ vẫn còn thường xuyên xảy ra.

Nguồn lực để bảo đảm an toàn đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là giao thông tại hai thành phố lớn, giao thông kết nối và một số trục giao thông chính chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống giao thông tĩnh, tổ chức bến, bãi, nơi đỗ xe còn thiếu; quy hoạch và xây dựng đô thị còn bất cập, mất cân đối, không bảo đảm mật độ xây dựng dẫn tới ùn tắc giao thông tại các đô thị; trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch khác của địa phương thiếu hệ thống thoát nước vùng, dẫn đến tình trạng nước ở khu vực xung quanh làm ngập đường bộ, ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông. Còn diễn ra tình trạng lái xe chạy quá giờ quy định, chở quá tải, quá số khách khách quy định; công tác quản lý lái xe ô tô kinh doanh vận tải vẫn còn chưa chặt chẽ, nhất là lái xe ô tô khách và xe kéo Container.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho rằng cần phân tích sâu hơn về cơ cấu đối với từng loại hành vi dẫn đến tai nạn giao thông; phân tích thêm về hậu quả của các trường hợp vi phạm, chỉ ra nguyên nhân, sau đó gắn với các địa bàn, địa phương trên các hình thức giao thông để từ đó có những đề xuất, giải pháp phù hợp. Về vấn đề ùn tắc giao thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức đề nghị làm rõ thêm địa phương nào ùn tắc nhiều nhất, thời gian ùn tắc, qua đó chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới ùn tắc. Theo đó, đây là bài toán lớn chứ không phải trách nhiệm riêng của địa phương, vấn đề này còn liên quan đến quyết sách của Quốc hội và Chính phủ. Nếu chỉ báo cáo chung chung về tình hình ùn tắc sẽ không thể nhìn rõ về “bức tranh” của tình trạng này.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé

Ngoài ra, một số đại biểu cho biết, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, hiện tượng đấu nối chưa hợp lý vào các tuyến đường giao thông đường bộ, đường sắt vẫn chưa được giải quyết triệt để, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết; việc xử lý trách nhiệm quản lý và bảo vệ các công trình và hành lang an toàn giao thông của chính quyền các cấp ở một số địa phương còn chưa đúng mức. Còn tồn tại một số công trình giao thông thi công kéo dài, thực hiện không đầy đủ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông dẫn tới gây mất an toàn, gây ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho người dân chưa được khắc phục. Còn tình trạng chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải không tuân thủ quy định pháp luật, để xảy ra một số vụ tai nạn rất nghiêm trọng; tình trạng phương tiện chở quá trọng tải do yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Tình trạng xe vận tải hành khách “trá hình” theo hình thức xe hợp đồng vẫn diễn ra khá phổ biến ở các đô thị lớn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023, các đại biểu đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, xác định đây vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhưng đòi hỏi phải thực hiện kiên quyết và triệt để trong chỉ đạo những giải pháp đồng bộ đã đặt ra, đặc biệt trong các thời điểm quan trọng, địa bàn tuyến giao thông trọng điểm.

Đồng thời thực hiện nghiêm việc lồng ghép mục tiêu, các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng; bảo đảm quy định về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ trong các đô thị mới nhằm không gây gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là các dự án trong đô thị; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Cùng với đó tập trung phát triển giao thông thông minh trên các tuyến đường cao tốc, các công trình hầm đường bộ và trong thành phố, thị xã, thị trấn, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cũng như phương án sử dụng thiết bị ghi hình của các tổ chức được giao quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông./.

Minh Thành