Xác định rõ vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng

21/10/2015

Chiều 21/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình dự án Luật QNCN-CN,VCQP           Ảnh: Đình Nam

Theo Tờ trình về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày, Luật nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được ban hành trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới, các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng không còn phù hợp cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Vì thế, việc xây dựng dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng là cần thiết.

Tại Phiên họp thứ 40 ngày 13/8/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận để phù hợp với quy định tại khoản 12 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quy định hàm, cấp của quân nhân chuyên nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nâng dự án Pháp lệnh lên thành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Dự thảo Luật gồm có 07 chương, 50 điều, quy định về Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vị trí, chức năng; nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; chế độ phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp; chế độ phục vụ của công nhân, viên chức quốc phòng; chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng,...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với Hiến pháp theo quy định tại Điều 68 và thẩm quyền của Quốc hội quy định hệ thống hàm, cấp của quân nhân chuyên nghiệp được quy định tại Khoản 12 Điều 70 Hiến pháp 2013, kịp thời bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Về sự phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, về cơ bản nội dung dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành và bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị rà soát các quy định có liên quan, đặc biệt là các chế độ, chính sách đặc thù đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cho phù hợp với quy định của một số luật khác như: Luật nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế, Luật nhà ở, Luật viên chức…   

Về vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật về cơ bản đã xác định rõ vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ chế độ phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp là chế độ tự nguyện và chế độ phục vụ của công nhân, viên chức quốc phòng là chế độ tuyển dụng; ý kiến khác đề nghị nêu rõ các tiêu chí để phân biệt công nhân quốc phòng (là thành phần trong tổ chức biên chế của các nhà máy, xí nghiệp của quân đội) với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng tại các cơ sở này; phân biệt giữa viên chức quốc phòng với viên chức nhà nước vì cho rằng, có một số quy định đối với công nhân, viên chức quốc phòng tại dự thảo Luật chưa thống nhất với Luật viên chức.

Thời gian còn lại, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Vân Ngọc