THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG-AN NINH: CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

02/07/2018

Sáng 02/7, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo - Bộ Công an, tổ chức cuộc họp cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Quốc phòng- An ninh, đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp cùng đại diện một số Ủy ban của Quốc hội và một số cơ quan có liên quan.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, những ý kiến tại buổi làm việc hôm nay sẽ là cơ sở để Ủy ban Quốc phòng- An ninh tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để chuẩn bị báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào tháng 7/2018 tới.

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 5 Chương, 35 Điều quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ bí mật nhà nước.

Qua thảo luận, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí và đánh giá cao với dự thảo luật cũng như các nội dung trong Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật.

Quy định cụ thể trách nhiệm cơ quan sử dụng, tiếp cận bí mật nhà nước

Theo Báo cáo về một số nội dung về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước của Ủy ban Quốc phòng- An ninh, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng, tiếp cận bí mật nhà nước để quản lý chặt chẽ, hạn chế lộ, mất bí mật nhà nước trong quá trình sử dụng bí mật nhà nước.

Đại diện Ban soạn thảo (Bộ Công an) phát biểu ý kiến

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị cho thu hút nội dung Điều 37 của dự thảo Chính phủ trình để xây dựng, bổ sung 02 điều quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý bí mật nhà nước (Điều 6) và Trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước (Điều 7) như dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Bí mật thuộc lĩnh vực Quốc phòng không phải gửi Bộ Công an cho ý kiến trước

Về danh mục bí mật nhà nước quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị rà soát, quy định đầy đủ các chủ thể lập danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lập và trình Thủ tướng quyết định.

Đối với nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh và Ban soạn thảo đã chỉnh lý quy định này theo hướng: danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng thì không phải gửi Bộ Công an cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, một số nội dung cụ thể liên quan đến thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, phân loại bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước… cũng được các đại biểu tham dự quan tâm, thảo luận./.

Thu Phương