PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỖ BÁ TỴ PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

03/04/2019

Chiều 03/4, trong khuôn khổ phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số Bộ, ngành có liên quan.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, Đại tá Trần Văn Dự nêu rõ, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động,du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân… Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì cần phải ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đại diện Ban soạn thảo trình bày Tờ trình

Đại diện Ban soạn thảo cũng cho biết, Dự luật được xây dựng với quan điểm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung các quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới.

Thay mặt Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Ngọc Khánh cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam như đã nêu tại Tờ trình, đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu, khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; quy định rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân vì lý do quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng đã được Hiến định; khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua. 

Thường trực Ủy ban thẩm tra đánh giá, về cơ bản hồ sơ dự án Luật bảo đảm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Tờ trình những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Quốc hội; bổ sung vào Báo cáo tổng kết những thông tin mới tình hình, kết quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong thời gian gần đây; bổ sung các Báo cáo đánh giá tác động để đánh giá rõ hơn những chính sách mới, nội dung mới đã được nêu trong Tờ trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Ngọc Khánh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban thẩm tra cũng băn khoăn về tính khả thi của các quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, hạ tầng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam. Vì cho rằng, những nội dung này khó triển khai, áp dụng đồng bộ để khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu chung kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Do đó, đề nghị bổ dung quy định chuyển tiếp để có lộ trình thực hiện cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng nội dung dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tuy nhiên do nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến nhiều quy định trong các luật khác, các Công ước về quyền con người, các Hiệp định, Thỏa thuận song phương về nhận trở lại công dân với các nước, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với  hệ thống pháp luật và tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh để đảm bảo phù hợp với cả công dân thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh và cơ quan, cá nhân quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo, đồng tình với ý kiến thẩm tra ban đầu của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Tuy nhiên, do nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến nhiều quy định trong các luật khác, các Công ước quốc tế, các Hiệp định, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với  hệ thống pháp luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Phó Chủ tịch nêu rõ, cơ bản hồ sơ dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ngay sau Phiên họp này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có dự kiến tiếp thu, giải trình rõ một số nội dung; đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới./.

 

 

Hồ Hương- Trọng Quỳnh