ỦY BAN QUỐC PHÒNG-AN NINH TỔ CHỨC HỘI THẢO NHẰM THẨM TRA, DỰ ÁN LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ (SỬA ĐỔI)

04/05/2019

Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 03/5 tại tỉnh Thái Nguyên, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Hội thảo phục vụ thẩm tra, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung vào 7 vấn đề: Tính hợp hiến, hợp pháp của dự án Luật; quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ (DQTV) để phù hợp với thực tiễn hiện nay; độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ DQTV nhằm đảm bảo quân số huy động. Cơ quan thẩm tra cũng mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp về hệ thống chỉ huy, tổ chức mở rộng DQTV nhằm tránh việc hình thức; việc quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; bố trí sỹ quan quân đội làm xã đội trưởng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh;  việc tổ chức, huấn huyện, kinh phí chính sách đối với DQTV để đảm bảo yêu cầu, tình hình kinh tế của địa phương và đất nước.

Theo Khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật “Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền”. Đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đề nghị cần cân nhắc để đảm bảo tính khả thi vì nếu thực hiện theo quy định trên thì cần trang bị khí tài, huấn luyện cho lực lượng DQTV như thế nào?

Thiếu tướng Hoàng Công Hàm - Phó Tư lệnh Quân khu I, phát biểu ý kiến

Góp ý về Điều 17 dự thảo Luật: Tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhiều đại biểu nhận định, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp còn rất thấp, nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân và FDI. Chẳng hạn, thống kê năm 2018, trên địa bàn Quân khu 1, có tình trạng doanh nghiệp tư nhân không muốn cho người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ ở địa phương, cở sở vì phải đảm bảo chế đô cho họ theo quy định của pháp luật. Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Phó Tư lệnh Quân khu I nêu rõ, có sự không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân: “Đối với doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, khi tuyển công nhân vào làm việc, trình độ văn hóa chỉ cần tốt nghiệp cấp 2, không cầnđại học, cao đẳng, không phải Đảng viên để không phải tổ chức chi bộ Đảng trong trong nghiệp, là một trong các điều kiện để phải thành lập lực lượng tự vệ” – Thiếu tướng Hoàng Công Hàm nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện Quân khu 2 cho biết, qua khảo sát, số lượng các doanh nghiệp đã thành lập đơn vị tự vệ trên đại bàn còn quá ít. Hiện nay, toàn Quân khu mới chỉ thành lập được 281 đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp trên tổng số hơn 22.842 doanh nghiệp đang hoạt động. Khi thành lập lực lượng tự vệ, doanh  nghiệp sẽ phải bố trí người lao động vào biên chế trong đơn vị tự vệ và việc tổ chức huấn luyện hàng năm sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DQTV phải có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải thành lập lực lượng tự vệ và phải có chế tài với nội dung này”, Đại tá Thái Minh Đường, Phó Tham mưu trưởng Quân khu II đề nghị.

Toàn cảnh hội thảo

Bổ sung về vấn đề này, Đại tá Lê Duy Sỹ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, chế độ huấn luyện đối với tự vệ do doanh nghiệp tổ chức chỉ bằng 1% ngày công lao động cũng đang là những khó khăn đối với việc tổ chức lực lượng. Tại địa phương có hơn 7.000 doanh nghiệp tư nhân nhưng mới chỉ tổ chức được 199 đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp. Cho ý kiến về quy định tại Điều 20 dự thảo Luật, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần lưu ý nghiên cứu kỹ. Hiện nay các đồng chí xã đội trưởng đều tốt nghiệp Đại học, cao đẳng, trung cấp và đại đa số là sỹ quan dự bị, nắm chắc tình hình trên địa bàn về con người, địa hình. Do đó tại sao không để cho đối tượng này chỉ huy mà lại đưa cán bộ sỹ quan về chỉ huy trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh? “Sỹ quan về,một là anh chưa chắc đã nắm được địa hình ở đấy. Hai nữa là không nắm được về tình hình dân cư, tư tưởng, đội ngũ dân quân xã đó thì làm sao có thể tổ chức chỉ huy được?Nếu các đồng chí này về thì xã đội trưởng đi đâu, làm cái gì?” - Đại tá Lê Duy Sỹ đặt câu hỏi.

Một số ý kiến cũng cho rằng dự thảo quy định nam công dân đủ 18 tuổi đến 45, nữ công dân từ 18 đến 40 tuổi; nếu tình nguyện tham gia DQTV thì có thể đến 50 tuổi đối với nam, đến 45 tuổi đối với nữ. Nếu quy định như vậy là không hợp lý đối với các đơn vị tự vệ. Nhất là tới đây tuổi về hưu nâng lên, nếu giữ như tuổi hiện nay thì sẽ có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp không đủ nguồn dân quân tự vệ.

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh

Thay mặt Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban, ghi nhận 16 đại biểu tham gia ý kiến phát biểu, đóng góp ý kiến mang tính gợi mở tại Hôị thảo; đồng thời đề nghị đại diện Ban sọan thảo tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp thu hoàn thiện Báo cáo thẩm tra gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội và Quốc hội.

Khắc Phục