LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

04/05/2019

Chiều ngày 03/5, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp ý về dự án Luật lực lượng dự bị động viên. Các đại biểu đã tập trung tham luận, góp ý vào 6 nội dung chính đang còn những ý kiến trong dự thảo Luật cũng như việc tổ chức thực hiện triển khai lực lượng dự bị động viên hiện nay.

Toàn cảnh hội thảo

Các đại biểu tập trung tham luận làm rõ các nội dung như: Tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khả thi của dự án Luật; quy định về đăng ký, sắp xếp phương tiện kỹ thuật; chính sách quản lý nhà nước và quan hệ phối hợp trong triển khai thực hiện lực lượng dự bị động viên. Thay mặt Cơ quan thẩm tra, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng đề nghị các ý kiến tập trung đóng góp ý kiến về việc phân biệt việc trưng dụng trưng mua tài sản với huy động phương tiện kỹ thuật,lực lượng dự bị động viên; tính khả thi của việc thành lập Trung tâm huấn luyện lực lượng dự bị động viên.

Bày tỏ nhất trí với dự thảo Luật về quy định tiếp nhận và giải quyết lực lượng dự bị động viên bao gồm cả quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật, Đại tá Nguyễn Văn Đông - Viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật Quân sự, Học viện Quốc phòng, cho rằng Cơ quan soạn thảo cần quy định về cách thức tiếp nhận, giải quyết sau khi tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương. “Dự thảo chưa có Điều nào quy định về sau khi quân nhân dự bị đã hoàn thành nhiệm vụ trở vệ địa phương ở trong các trường hợp như khi có tình hình đe doạn nghiêm trọng an ninh quốc gia hoặc khi chúng ta giải quyết vấn đề phòng thủ dân sự hoặc khi có tình trạng khẩn cấp quốc phòng hoặc tình trạng chiến tranh” - Viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật Quân sự nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu cũng cho rằng để khắc phục tình trạng thiếu nguồn sỹ quan dự bị, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giao chỉ tiêu nguồn cho các trường Đại học. Việc huy động huấn luyện từ 15-20 ngày tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Quy định chế tài đối với quân nhân dự bị vi phạm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu là cần thiết và nên quy định ngay trong Luật. Góp ý về quy định Xử lý vi phạm tại Điều 45 dự thảo Luật, Đại tá Nguyễn Chí Công - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên, nêu rõ: “Đã vi phạm kỷ luật liên quan đến điều lệnh, điều lệ của Quân đội mà quân nhân vi phạm lại xử lý theo Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp công nhân viên chức Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự thì không phù hợp mà nên vi phạm pháp luật ở luật nào thì chịu theo Luật đó”.

Một số ý kiến khác cho rằng, dự thảo Luật chưa đề cập đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dự bị động viên, đề xuất cần xây dựng một điều về vấn đề này. Dự thảo không nên đưa vào Điều 26 về ”Hạn tuổi huy động quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong tình trạng chiến tranh” vì đã quy định tại các Luật khác.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, pháy biểu ý kiến

Kết luận hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ghi nhận 15 ý kiến tham luận, góp ý, trong đó có nhiều nội dung chia sẻ về kinh nghiệm, quy định trong việc xây dựng lực lượng dự bị động viên tại các nước; những vướng mắc bất cập trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong đăng ký, quản lý, tổ chức, sắp xếp biên chế; chế độ chính sách đảm bảo cho hoạt động của lực lượng này. Quy trình xây dựng luật hết sức chặt chẽ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng với Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để sau khi Luật được ban hành đi vào thực tiễn./.  

Khắc Phục - Cao Hoàng