LẤY Ý KIẾN PHỤC VỤ CÔNG TÁC THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

04/05/2019

Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, sáng ngày 04/5, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Hội thảo phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho biết, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8. Việc xây dựng Luật cần đảm bảo yêu cầu: quyền lợi ích hợp pháp của công dân song hành với nền tảng lợi ích an ninh quốc gia, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh. Phó Chủ nhiệm Trần Ngọc Khánh cũng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, tham luận về các vấn đề lớn trong dự thảo Luật như: Phạm vi điều chỉnh; quyền con người, quyền công dân, các hành vi nghiêm cấm; điều kiện xuất cảnh nhập cảnh, các trường hợp hoãn xuất cảnh; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; trách nhiệm các bộ ngành và chủ thể khác có liên quan.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng quyền tự do đi lại, tự do cư trú đi lại là 1 trong những quyền cơ bản của con người. Nội dung “quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước” của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và tiếp tục được thể chế hóa. Do vậy, Luật này cần đảm bảo tính tương thích với hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh nội dung tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý xuất nhập cảnh. Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an nhấn mạnh: “Dự thảo Luật cần quy định rõ việc ký kết tham gia các Hiệp định, Thỏa thuận song phương về miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước và cùng lãnh thổ,các Hiệp định đa phương, đặc biệt dự báo được xu thế cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong triển khai xuất nhập cảnh..."

Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, phát biểu tại hội thảo

Trong công tác quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật như: hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả hoặc cung cấp thông tin giả mạo sai sự thật. Thậm chí các đối tượng còn sử dụng các loại máy in ấn và phôi để sản xuất với công nghệ hiện đại có nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài để làm ra các loại giấy tờ xuất nhập cảnh giả. Vì vậy, Luật cần quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm và có chế tài xử lý nghiêm khắc. Góp ý về dự thảo Luật, đại diện Học viện An ninh nhân dân đề nghị bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”; hành vi cản trở, chống đối việc thi hành công vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. “Trên thực tế có một số đối tượng lợi dụng quyền xuất cản của công dân để vu cáo cơ quan chức năng vi pham nhân quyền, cố tình dùng lời nói hành động để cản trở, chống đối việc thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền. Việc kuật hóa hành vi này sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan Công an xử lý các đối tượng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia” - Đại tá PGS.TS Trần Chí Công, Học viện An ninh nhân dân, nhấn mạnh.

Các đại biểu nhận định việc “sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử” là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của công dân. Cùng với đó, dự thảo Luật cần quy định nhằm tăng cường nội dung cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đảm bảm các điều kiện về an ninh trong xuất nhập cảnh. Tuy nhiên nếu quy định thêm Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xuất nhập cảnh phục vụ việc cấp hộ chiếu thì sẽ trùng lặp và lãng phí vì thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ông Trần Văn Thư, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đề nghị: “Ban soạn thảo cân nhắc không đưa nội dung này quy định cứng trong Luật vì quy định như vậy sẽ vừa thừa, vừa thiếu. Thừa có nghĩa đã quy định rồi. Còn thiếu là nếu chỉ căn cứ vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về xuất nhập cảnh  thì nay mai có cơ sở về thuế, các trường hợp chưa nộp thuế hoặc liên quan đến tội phạm… thì các cán bộ có được truy cập vào đây phục vụ cấp giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh hay không?  

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo thống kê, nếu năm 2014 có hơn 6,5 triệu lượt người thì đến năm 2018 đã có hơn 9,6 triệu lượt người xuất cảnh. Vì vậy quy định để công dân xuất cảnh nước ngoài bị mất hộ chiếu được về thuận tiện cấp lại, thuận tiện về nước là yêu cầu đặt ra trước. Bên cạnh đó, theo pháp luật hiện hành, hồ sơ, thủ tục cấp mới và gia hạn đối với hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ là khác nhau. Thế nhưng theo dự thảo Luật lại đang đồng nhất 2 hồ sơ đó. “Chúng tôi mong muốn có quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục việc cấp mới, gia hạn cũng như trong trường hợp hộ chiếu bị hư hỏng, mất ở nước ngoài hoặc hết trang khi công dân ra nước ngoài thì có thủ tục thuận lợi nhất đối với công dân”, ông Phạm Trần Vương, Trưởng phòng Pháp lý lãnh sự, Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao bày tỏ ý kiến.

Thay mặt Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh cũng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến khác góp ý về quy định đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự na toàn xã hội; những hành vi bị nghiêm cấm trong xuất cảnh, nhập cảnh; công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý hay kiến nghị cần có quy định về chữ ký số trong dự thảo Luật./.

Khắc Phục