ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TỔ CHỨC GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ (SỬA ĐỔI)

10/07/2019

Sáng ngày 10/7 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp với các bộ, ngành liên quan về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Thượng tướng Võ Trọng Việt - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp

Trình bày dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Về tên gọi của dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị sửa tên Luật là “Luật Dân quân tự vệ” hoặc “Luật Dân quân và tự vệ”, vì dân quân và tự vệ là hai chủ thể khác nhau, có chế độ, chính sách cơ bản không giống nhau. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, cụm từ “Dân quân tự vệ” tại tên dự thảo Luật đã được sử dụng thống nhất trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật Quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ năm 2009; cụm từ “Dân quân tự vệ” là dùng để chỉ một lực lượng thuộc thành phần lực lượng vũ trang. Mặc dù, theo quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành, đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức, nhưng đó chỉ là các đơn vị của lực lượng dân quân tự vệ và theo cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân và tự vệ là thống nhất. Mặt khác, tên gọi “dân quân tự vệ” gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng dân quân tự vệ qua các thời kỳ và thông dụng trong đời sống xã hội, quá trình tổ chức thực hiện không có gì vướng mắc. Do đó, đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật như Chính phủ trình.

Liên quan đến vị trí, chức năng của dân quân tự vệ, có ý kiến cho rằng, quy định vị trí, chức năng của lực lượng tự vệ “là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước” như dự thảo Luật là khó bảo đảm việc thực hiện quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định “bảo vệ tài sản của tổ chức, trong đó có cả tài sản của doanh nghiệp”.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định, theo khoản 8 Điều 8 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, theo Luật Đầu tư thì Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư (khoản 3 Điều 5). Mặt khác, người lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp này có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. Do đó, cần quy định cụ thể hơn về vị trí, chức năng của lực lượng tự vệ là bảo vệ tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân để tạo thuận lợi cho việc tổ chức tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày dự thảo Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi),

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thay cụm từ “Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa” bằng cụm từ “chính quyền” như Luật Dân quân tự vệ năm 2009 cho phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng; thay cụm từ “tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước” bằng cụm từ “tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” để bảo đảm bao quát hơn; bỏ cụm từ “sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu”, vì đây là nhiệm vụ của Dân quân tự vệ, đã được quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật. Theo đó, Điều này được chỉnh lý lại như sau: “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh”.

Về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp tính khả thi không cao, trong khi không có cơ sở buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết: việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã được quy định Điều 19 Luật Dân quân tự vệ và các Nghị định của Chính phủ. Qua 10 năm thực hiện quy định này đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc tổ chức lực lượng tự vệ vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm tổ chức bộ máy, thời gian huấn luyện. Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương và nhiệm vụ của khu vực phòng thủ; trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên và để có cơ sở pháp lý khi mở rộng lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp theo quy định của Luật này, nên việc quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sửa lại tên của Điều này là “Điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp” để tránh trùng lắp với Điều 16 dự thảo Luật, đồng thời phù hợp với nội hàm của Điều luật.

Các đại biểu phát biểu góp ý Dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Liên quan đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định sĩ quan Quân đội nhân dân bố trí làm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình để bảo đảm thể chế hóa nghị quyết của Đảng về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” và bảo đảm tương xứng với Công an xã hiện nay đang xây dựng chính quy. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, hiện nay, cơ bản Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở và được phong quân hàm sĩ quan dự bị, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Do vậy, trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ được gọi vào phục vụ tại ngũ và trở thành sĩ quan chính quy, khi hết hai tình trạng này, thì được giải ngũ theo Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nếu quy định sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ làm tăng 11.162 đồng chí và tăng ngân sách nhà nước hằng năm bảo đảm chế độ, chính sách cho sĩ quan khoảng trên một nghìn tỷ đồng; làm dôi dư và phát sinh giải quyết chế độ, chính sách cho số công chức đang đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

Việc bố trí sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ không phù hợp với tính chất của Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, làm chính quy hóa lực lượng này. Thực tế thời gian qua, thực hiện các quy định hiện hành, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã vẫn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và ban soạn thảo cũng làm rõ một số ý kiến liên quan đến tên gọi của Dự thảo Luật; điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; kinh phí đảm bảo cho tự vệ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập...

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Kết luận buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là vấn đề vướng mắc nhất trong dự thảo bởi thành lập tự vệ trong doanh nghiệp hết sức khó khăn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, một số doanh nghiệp đã thành lập được đội tự vệ nhưng chủ yếu được thành lập trong cơ quan, đơn vị kinh tế của nhà nước, hầu như doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài chưa thực hiện được. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị ban soạn thảo cần có quy định thể hiện tính khả thi, bởi thành lập tự vệ trong doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực phòng thủ ở các địa phương.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng, kinh phí của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bảo đảm cho tự vệ của cơ quan, đơn vị mình, thực hiện nhiệm vụ chi quy định tại Điều 37 của Luật này, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là phù hợp. Tuy nhiên để bảo đảm khả thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cho đúng về mặt từ ngữ, nên quy định doanh nghiệp cùng với Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài một số vấn đề nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu các ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7 và ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 35./.

Trọng Quỳnh