BAN HÀNH LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

13/06/2023

Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động thực tiễn, nhất là trước các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sự cố, thảm họa. Đây là khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo Luật với phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

TRIỂN KHAI PHÒNG THỦ DÂN SỰ PHÙ HỢP VỚI TỪNG CẤP ĐỘ: QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN, CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự trả lời phỏng vấn phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Phóng viên: Thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam -  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đến thời điểm này, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã nhận được sự đánh giá rất cao của các đại biểu Quốc hội về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý. Trước khi Quốc hội thông qua, với vai trò là Trưởng Ban soạn thảo luật, theo ông, Luật này sẽ có ý nghĩa và tầm quan trọng thế nào đối với hoạt động thực tiễn phòng thủ dân sự tới đây?

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước nên có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã được Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết số 22 ngày 30/8/2022 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Phòng thủ dân sự là sự thể chế hóa Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị và Hiến pháp năm 2013. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị trên thế giới và khu vực hiện nay có những diễn biến phức tạp; các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sự cố, thảm họa là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam chúng ta. Tình hình trên, đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực phòng thủ dân sự quốc gia; trong đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, tạo hành lang pháp lý vững chắc là một trong những giải pháp quan trọng.

Thực tiễn cho thấy, những năm qua hoạt động phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức, lực lượng đã góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, môi trường; đồng thời, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, rất cần có những cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể và phân công, phân cấp rõ ràng để tạo sự chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa.

Như vậy, có thể khẳng định, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự tại thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động thực tiễn phòng thủ dân sự hiện nay và thời gian tới.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phóng viên: Thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một nội dung quan trọng của Luật là đã xác định các cấp độ phòng thủ dân sự. Ông có thể phân tích từ ví dụ cụ thể, việc luật hóa các cấp độ như vậy sẽ có tác dụng, cần thiết thế nào và khắc phục được những bất cập gì từ thực tế vừa qua?

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Cấp độ phòng thủ dân sự quy định tại dự thảo Luật là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý; làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực để các cấp chính quyền chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đây là vấn đề mới mà các luật khác chưa quy định.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự xác định các cấp chính quyền phải nắm chắc đặc điểm địa phương mình, chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

 Thực tế phòng chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy rất cần phải có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền các cấp để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục phù hợp với tình hình thực tiễn. Ví dụ như các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, cách ly tập trung,…rất cần được luật hóa để phù hợp với Hiến pháp về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Phóng viên: Thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đối với phòng thủ dân sự, thực hiện theo phương châm “từ sớm, từ xa” là rất quan trọng, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Vậy với việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trước khi thảm họa, sự cố xảy ra, nguồn lực từ Quỹ sẽ khắc phục được những bất cập gì thời gian qua để nâng cao hiệu quả phòng thủ dân sự?

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trước khi sự cố, thảm họa xảy ra là rất cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu quả phòng thủ dân sự. Cụ thể là:

Thứ nhất, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự chính là sự thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng thủ dân sự trong Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, sự cố, thảm họa, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh rất khó dự báo, cũng không thể tính toán, dự phòng ngân sách nhà nước một cách chính xác để đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa. Do đó, cần có Quỹ để sẵn sàng ứng phó, khi sự cố, thảm họa xảy ra không phải chờ thành lập Quỹ và mất thời gian huy động nguồn lực, cũng như bỏ lỡ thời cơ ứng phó, khắc phục.

Thứ ba, từ xa xưa cha ông ta đã dạy: Đất nước nên có kế lâu dài; Lo giữ nước từ lúc nước còn chưa nguy. Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước nên cũng phải được tiến hành theo tư tưởng đó. Việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự chính là chuẩn bị từ sớm, từ xa và là kế sách lâu dài để khi tình huống xảy ra thì không bị động, bất ngờ.

Thực tế phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, nếu ta có Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực mà không phải thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Khắc Phục