Theo Báo cáo của Cục Quân lực - Bộ Quốc phòng, Pháp lệnh Dự bị động viên đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa IX thông qua ngày 27/8/1996. Sau khi Pháp lệnh có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyển và quy định của Pháp lệnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, cơ bản bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời hạn, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để các bộ, ngành địa phương, đơn vị quân đội triển khai thực hiện. Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đã bảo đảm hành lang pháp lý để tổ chức, công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong xây dựng lực lượng dự bị động viên, góp phần vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, đại diện Cục Quân lực cũng thẳng thắn, việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh còn chậm, có văn bản quy phạm pháp luật trình tự ban hành chưa phù hợp, như Thông tư số 19/2013/TT - BQP ngày 22/2/2013 của Bộ Quốc phòng quy định mẫu, biểu đăng ký, quản lý, thống kê, báo cáo kết quả đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội ban hành trước Thông tư liên tịch số 81/2013/TTLLT của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc phối hợp cung cấp số liệu đăng ký phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội…
Đáng lưu ý, Pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn, do vậy cần sớm xem xét xây dựng và ban hành Luật về dự bị động viên. Thực tế, từ năm 1996 đến nay, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quan điểm mới bảo vệ Tổ quốc, tuy nhiên, nhiều quan điểm, tư duy mới lại chưa được thể chế hóa. Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, trong khi đó, pháp lệnh về dự bị động viên lại chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Các đại biểu dự hội nghị nhất trí với kiến nghị xây dựng và ban hành Luật về dự bị động viên, trong đó có nội dung xây dựng Trung tâm huấn luyện lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng này hùng hậu cả về số lượng, chất lượng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Pháp lệnh hiện hành chưa cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động phục vụ nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách đối với chủ phương tiện khi có phương tiện huy động. Những vấn đề này cần được quy định ngay trong Luật.