HỘI THẢO TRỰC TUYẾN TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM XÂY DỰNG LUẬT BIÊN GIỚI QUỐC GIA

18/10/2021

Chiều 18/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào đồng chủ trì Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Biên giới quốc gia.

 

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến

Tham dự phía điểm cầu Quốc hội Việt Nam có: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các chuyên gia, nhà nghiên cứu…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia trong xây dựng pháp luật là một trong những hoạt động quan trọng của cơ quan lập pháp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của quốc gia và bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế. Hệ thống pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào có nhiều điểm tương đồng, là cơ sở vững chắc cho các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lập pháp.

Từ trước năm 2020, hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Quốc hội 2 nước cũng đã được triển khai tích cực, với nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, hội đàm cấp cao, các Đoàn nghiên cứu cấp Uỷ ban, biên dịch và cung cấp các văn bản luật của hai nước…Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam và các Uỷ ban tương ứng của Quốc hội Lào, Quốc hội Vương quốc Campuchia đã triển khai cơ chế hợp tác, trao đổi kinh nghiệm từ năm 2012 đến nay. Việc tổ chức Hội thảo trực tuyến giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, chuyên gia của 02 nước là hình thức triển khai hợp tác mới, hy vọng đây sẽ là hình thức hợp tác hiệu quả, phù hợp với xu thế hội nhập, ứng dụng khoa học - công nghệ trong hợp tác quốc tế hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng nêu rõ, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật về bảo vệ biên giới đã cơ bản được hoàn thiện, bao gồm các luật: Luật Biên giới quốc gia (năm 2003), Luật Biển Việt Nam (năm 2014), Luật Cảnh sát biển Việt Nam (năm 2018), Luật Biên phòng Việt Nam (năm 2020).., trong đó Luật Biên giới quốc gia đã thi hành được 18 năm, cũng cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp. Việc tổ chức Hội thảo trực tuyến cũng sẽ góp phần cung cấp thêm kinh nghiệm cho Quốc hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung Luật Biên giới quốc gia trong thời gian tới.

Gợi ý một số nội dung thảo luận tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận về một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về chính sách của Nhà nước đối với công tác biên giới quốc gia, chính sách ưu tiên cho công tác biên giới quốc gia đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo vệ an ninh - quốc phòng ở khu vực biên giới. Những bài học kinh nghiệm của Việt Nam.

Thứ hai, quy định về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới đảm bảo phù hợp với đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sự phối hợp giữa trung ương và địa phương.

Thứ ba, về quy định chế độ, chính sách của Nhà nước đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ biên giới quốc gia để đảm bảo có hiệu quả và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam.

Thứ tư, các biện pháp quản lý biên giới và các nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi liên quan đến dự thảo Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Nhấn mạnh Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, việc trao đổi kinh nghiệm để làm rõ những vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào cũng sẽ là những kinh nghiệm, bài học quý báu để Quốc hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững giữa hai quốc gia và các nước có chung đường biên giới. Thành công của Hội thảo cũng sẽ định hướng cho việc đổi mới phương thức hợp tác, góp phần tiếp tục phát huy kết quả hợp tác thực chất giữa các cơ quan của Quốc hội hai nước, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào- đại diện Ban phụ trách chỉnh sửa nội dung Luật trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, các đại biểu từ điểm cầu Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Luật Biên giới quốc gia của Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và trả lời, cung cấp thông tin liên quan đến những câu hỏi phía bạn quan tâm.

Cụ thể, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy định, chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ biên giới quốc gia; các biện pháp bảo vệ, quản lý biên giới; đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới. Đồng thời, các đại biểu cũng khẳng định sự tương đồng trong pháp luật về bảo vệ biên giới quốc gia của hai nước, phù hợp với pháp luật quốc tế; phương pháp tiếp cận kết hợp lý luận và thực tiễn công tác quản lý của các bộ ngành đem lại nhiều hiệu quả…

Trân trọng cảm ơn những kinh nghiệm quý báu của các đại biểu phía Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào đánh giá những chia sẻ hữu ích này có giá trị rất lớn cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trên cơ sở những ý kiến góp ý về chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ biên giới quốc gia, các biện pháp bảo vệ, quản lý biên giới, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, các điều khoản chi tiết cũng như kỹ thuật văn bản, Ban phụ trách chỉnh sửa nội dung Dự thảo Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, đảm bảo Luật ban hành sẽ có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn của quốc gia.

Nhấn mạnh Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào hi vọng trong thời gian tới các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục có các cuộc làm việc, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt – Lào./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức