Những bất cập trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự
Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đại diện Thường trực Ban Soạn thảo trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Theo đó, Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) được Quốc hội khóa VII thông qua tại kỳ họp thứ hai, ngày 30-12-1981, đã sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994, năm 2005. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Luật NVQS đã đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp; quyền lợi, lợi ích hợp pháp của quân nhân được bảo đảm và không ngừng được nâng cao; góp phần xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mọi mặt của đất nước và yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật NVQS hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng quân đội.
|
Đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.
|
Đơn cử như Luật NVQS hiện hành quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ (HSQ-BS) là 18 tháng; HSQ chỉ huy, HSQ-BS chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, HSQ-BS trên tàu hải quân là 24 tháng. Hiện nay, QĐND Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân và một số binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của HQS-BS là 18 tháng sẽ không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị. Đó là chưa kể quân đội còn thực hiện những nhiệm vụ khác do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho như: Phòng, chống thiên tai; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; công tác dân vận..., ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Vì vậy, thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Cùng với đó, đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời bình quá rộng, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt, gọi nhập ngũ. Do đó, việc sửa đổi Luật NVQS hiện hành là rất cần thiết.
Tạo hành lang pháp lý, bảo đảm công bằng xã hội
Sau phần ý kiến của Tiểu ban Quốc phòng Ủy ban QP-AN của Quốc hội, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung tờ trình của Chính phủ và nội dung Dự thảo Luật NVQS sửa đổi, đồng thời tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như: Khái niệm NVQS; công dân phục vụ trong quân đội; đăng ký NVQS; thời hạn phục vụ tại ngũ của HSQ-BS; tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ…
Đề cập về thời hạn thực hiện NVQS, đại biểu Lê Thị Nguyệt, Ủy viên Thường trực Ủy ban về vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để mỗi HSQ-BS có thời gian trang bị kiến thức chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, luật cần điều chỉnh 24 tháng. Vì sau khi hoàn thành NVQS, lực lượng này sẽ tiếp tục tạo nguồn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đối với việc thực hiện NVQS thay thế, đại biểu Nguyệt khẳng định, việc thay thế hay chọn hình thức thay thế rất khó. Để bảo đảm công bằng xã hội, tốt nhất là ai cũng phải đi bộ đội.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban QP-AN của Quốc hội kiến nghị Ban Soạn thảo nên nghiên cứu quy định công dân đăng ký một lần NVQS, không nên đăng ký nhiều lần, cũng như có các biện pháp hỗ trợ cung cấp thông tin của công dân trong độ tuổi thực hiện luật nhằm tránh phiền hà cho công dân. Đại biểu này cho rằng nên giảm thời hạn phục vụ tại ngũ như hiện hành xuống 12 tháng là phù hợp với điều kiện thời bình, đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân, tăng số công dân nhập ngũ và tăng nguồn cho lực lượng dự bị động viên, góp phần bảo đảm công bằng xã hội hơn trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, khắc phục được những tiêu cực, hạn chế vừa qua. Đối với những hạ sĩ HSQ-BS thuộc các đơn vị chuyên môn kỹ thuật cũng cần nghiên cứu thời gian dài hơn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban QP-AN nêu ý kiến, qua nghiên cứu, Tiểu ban Quốc phòng đề nghị cân nhắc kỹ về diện tạm hoãn gọi nhập ngũ để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Những lý do để hoãn gọi nhập ngũ phải thể hiện chính đáng và phải bảo đảm công bằng. Trong đó cần xem xét kỹ đối tượng được tạm hoãn là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc đối với những công chức, viên chức, người lao động đang đảm nhiệm những loại việc công ích thuộc các lĩnh vực bảo đảm và duy trì pháp luật. Cơ quan này cũng đề nghị cân nhắc việc quy định chỉ cho tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, mà không cho tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học trong các trường cao đẳng, trung cấp... để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập và công bằng xã hội trong giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục.
Theo quan điểm của đại biểu Hoàng Việt Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế NVQS tại ngũ là có thể. Đại biểu này nêu dẫn chứng, qua tham khảo pháp luật nhiều nước đều có quy định một số hình thức nghĩa vụ dân sự thay thế việc thực hiện NVQS tại ngũ và miễn gọi nhập ngũ khá rộng. Theo đó, công dân vì những lý do khác nhau nếu không được gọi phục vụ tại ngũ thì có thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao thực hiện một số công việc khác phù hợp với chuyên môn, ngành nghề của mình… chứ không phải thay thế bằng hình thức đóng góp tiền.
Để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và quyền lợi của công dân, đại biểu Trần Đình Long, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, kiến nghị, dự thảo luật cũng cần có quy định cụ thể về thời gian để sau khi công dân hoàn thành NVQS vì lý do nào đó ở lại phục vụ quân đội sẽ được hưởng những chế độ như thế nào?
Ngoài những nội dung chủ yếu trên đây, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và chỉnh lý nhiều nội dung về mặt kỹ thuật để bảo đảm tính thống nhất ngay trong cùng Dự thảo Luật cũng như với hệ thống pháp luật hiện hành.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung văn bản Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi) của Tiểu ban Quốc phòng và Ban Soạn thảo, bảo đảm chu đáo, công phu. Để việc giải trình trước Thường vụ Quốc hội diễn ra đúng kế hoạch, chất lượng, đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Ban Soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo bảo đảm thời gian quy định.
Kết luận phiên họp, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đánh giá, các ý kiến thảo luận tại phiên họp thẩm tra sơ bộ ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng cao. Trên cơ sở kết quả phiên họp, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội đề nghị các thành viên Ban Soạn thảo khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh nội dung báo cáo để giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm sự đồng thuận cao.