Sáng nay (26/9), tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Hội thảo về dự án Luật Căn cước công dân góp ý cho một số vấn đề còn những ý kiến khác nhau cần được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.
Dự án Luật căn cước công dân đã được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, là dự án Luật được nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri quan tâm vì sự thành công của dự án sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức giao dịch giải quyết thủ tục hành chính cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân, giúp giảm chi phí hành chính và thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, một số vấn đề về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số định danh cá nhân; thẻ căn cước công dân, còn có những ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu và tham khảo ý kiến các bộ, ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia.
Hội thảo về dự án Luật Căn cước công dân diễn ra tại Hà Nội sáng 26/9
Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, đây là cơ sở dữ liệu gốc, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam, được xây dựng thống nhất trên toàn quốc.
Cơ sở dữ liệu được hình thành trên cơ sở thu thập, cập nhật các chỉ tiêu thông tin dân cư thông qua công tác đăng ký nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, dùng để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính có thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua số định danh cá nhân.
Về số định danh cá nhân, đây là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân từ khi sinh ra cho đến khi chết, dữ liệu khác về công dân, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch, đi lại và được cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để sử dụng trong hoạt động quản lý Nhà nước.
Cấu trúc số định danh cá nhân có chứa mã đơn vị hành chính là tỉnh, thành phố là nơi công dân đăng ký khai sinh, có chứa năm sinh, giới tính, thế kỷ sinh của người được cấp; có dãy số đủ lớn để đảm bảo cấp đủ cho số công dân sinh ra theo từng địa phương và năm sinh, giới tính thế kỷ; có cấu trúc khoa học, độ dài hợp lý để công dân dễ nhớ, dễ sử dụng. Đây cũng là lý do Bộ Công an đề xuất chọn 12 chữ số mà không sử dụng số CMND 9 số làm số định danh cá nhân.
Về thẻ căn cước cá nhân, theo dự thảo luật, cơ quan đăng ký hộ tịch là cơ quan tiến hành các thủ tục đăng ký khai sinh cho công dân, sau khi thu nhận dữ liệu thông tin của người sinh ra, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ chuyển dữ liệu thông tin đó sang cơ quan quản lý căn cước công dân để tiến hành làm các thủ tục cấp thẻ căn cước công dân và chuyển lại cho cơ quan đăng ký hộ tịch trả cho công dân.
Theo dự kiến Luật căn cước công dân đến ngày 1/1/2016 mới có hiệu lực, trong khi đó nhu cầu cấp giấy chứng minh nhân dân của công dân là nhu cầu thường xuyên, liên tục. Hiện nay đang tồn tại 2 loại chứng minh nhân dân đều có hiệu lực, số chứng minh nhân dân 12 số của công dân đã và đang cấp có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp , dự thảo Luật có điều khoản chuyển tiếp vẫn công nhận giá trị sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước theo Luật này.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành cần được thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thống nhất trên toàn quốc dùng chung cho các cơ quan tổ chức cá nhân nhằm cung cấp chính xác kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Đại diện Tổng Cục thống kê nhấn mạnh tính thống nhất trong thu thập thông tin, đặc biệt là danh mục, nếu không mã hành chính của thống kê và mã hành chính của công an khó có thể kết nối.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu đảm bảo nguyên tắc kế thừa, trong đó có các cơ sở dữ liệu hiện hành; tính thống nhất và tránh gây quá nhiều xáo trộn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, đây là nội dung khó, mới và đột phá trong cải cách thủ tục hành chính để phục vụ nhân và công tác quản lý tốt hơn cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vì vậy cần có sự phân tích cụ thể của các bộ ngành, nhà khoa học, từ đó Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội.