QUỐC HỘI GIÁM SÁT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY NHẰM HẠN CHẾ THIỆT HẠI

26/01/2019

Theo kế hoạch, từ tháng 2/2019, các đoàn công tác của Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Đây là nội dung quan trọng bởi cháy nổ không chỉ gây thiệt hại lớn về tính mạng con người, tài sản của nhân dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phỏng vấn đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an về các nội dung nêu trên.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2019, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao trên phạm vi cả nước về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Qua theo dõi, tổng hợp của Cục thì việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2013 trên thực tế có gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an 

Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an: Qua theo dõi, tổng hợp cho thấy việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013 có một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như sau:

- Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản trong công tác PCCC là phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia. Đồng thời, đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình trong thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC. Tuy nhiên, tại nhiều nơi việc tổ chức thực thi Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC còn rất hạn chế; còn tư tưởng công tác PCCC và CNCH là của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC và chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Có nơi còn khoán trắng công tác PCCC và CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Do đó, chưa tạo được ý thức phòng ngừa thường xuyên và liên tục.

- Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PCCC đã giao cho các Bộ, địa phương, tuy nhiên việc hướng dẫn thi hành còn chậm hoặc vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng như: xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC đối với các công trình mới, đặc thù; ban hành Nghị quyết của HĐND về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực thi hành…

- Công tác đầu tư cho PCCC còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động này, như: chế độ, chính sách cho lực lượng dân phòng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC…

Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an

Phóng viên: Ông có ý kiến gì về sự cần thiết của nội dung giám sát của Quốc hội tới đây?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Có thể nói, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã làm tốt vai trò tham mưu, triển khai các nhiệm vụ PCCC và CNCH; từng bước nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác này; triển khai tổ chức cứu chữa, CNCH kịp thời nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố góp phần bảo đảm TTATXH. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội thì tình hình cháy, nổ có những diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH đã khá đầy đủ nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế. Do vậy, đợt giám sát của Quốc hội lần này là rất cần thiết nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH hiện nay; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH. Đồng thời, tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH thời gian tới

Phóng viên: Về xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có kiến nghị hay đề xuất gì với Quốc hội để công tác phòng cháy chữa cháy đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Để Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC phát huy tối đa hiệu quả, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCCC:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác PCCC, nhất là các hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của người đứng đầu các bộ, ban, ngành, UBND các cấp và cơ quan, tổ chức, hộ gia đình;

- Thường xuyên quan tâm rà soát các quy định pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc đối với công tác PCCC;

- Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong quá trình quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chích sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế xã hội của địa phương phải quan tâm, chú trọng đến công tác quy hoạch tổng thể về PCCC gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Phân bổ nguồn ngân sách trung ương cho công tác an ninh, quốc phòng trong đó quan tâm bố trí các nguồn ngân sách cho công tác PCCC và CNCH tại Trung ương và địa phương.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

Khắc Phục - Lê Cường